Trần anh Tuấn , cậu thiếu niên 12 tuổi , năm 1915, được may mắn học tiếng
Pháp từ thuở bé , đã bắt đầu ưa chuộng văn chương Pháp , thích lịch sử
Pháp , phục khoa học Pháp nhưng sống giữa cố đô Huế trong không khí
sùng bái vua Duy Tân , một vị Hoàng Đế thanh niên chỉ lớn hơn cậu 4 tuổi
, làm cậu nhiệt liệt hoan hô vua Duy-Tân , mê vua Duy-Tân , chỉ thích nghe
chuyện và nói chuyện về vua Duy-Tân... cũng như hầu hết thanh niên lúc
bấy giờ , nhất là ở Trung Kỳ... Cho đến tháng năm 1916 , sắp sửa được
nghỉ hè thì ngay kinh đô Huế xẩy ra vụ vua Duy-Tân bỏ cung điện một đêm
tối trời , thoát ly ra ngoại thành để chỉ huy cuộc khởi nghĩa đánh Tây. Trần
anh Tuấn , cũng như toàn thể thanh niên học sinh trường Quốc học nghe tin
ấy như một tiếng sét đánh bên tai.
Mấy ngày đầu , người Pháp ở tại Huế muốn dấu kín vụ này không cho dân
chúng trong thành phố và học sinh biết. Tuy số lính khố xanh và lính sơn
đá ( lính sơn đá là soldat , lính Tây , phân biệt với lính Tập -khố xanh - của
An Nam ) được tăng cường canh gác nhiều nơi , nhưng cuộc sống hàng
ngày của đế đô Huế vẫn không thay đổi , như không có gì xảy ra . Học trò
vẫn đi học , và đến trường các vị giáo sư Pháp cũng như các thầy trợ giáo
An Nam , vẫn dạy học như thường lệ , không ai nói gì chạm tới "quốc sự".
Nhưng ngoài các giờ học , sau khi mãn lớp học , học trò về nhà lại được
người nhà hoặc bà con hàng xóm , thầm thì về việc vua Duy-Tân khởi
nghĩa đã bị tây bắt , giam ở đồn Mang Cá.
Thầy thông Vinh , trong lúc ngồi ăn cơm với Trần anh Tuấn trên bộ ván
ngựa tong nhà , lặng lẽ trở đầu đũa viết trên chiếu "Cậu có nghe gì lạ không
? " Tuấn cũng trở đầu đũa viết đáp :" Dạ có ". Chỉ có thế thôi , rồi cả hai
người ngó ra ngoài đường im lặng. Tự hôm đó , không những trong nhà
thầy Vinh mà cả thành phố Huế không còn ai dám nói đến những giai thoại
về vua Duy-Tân nữa. Cho đến bài thơ chữ Pháp Nocturne ( Hương Giang
Dạ Khúc ) mà ai cũng nói là của vua Duy-Tân , bài thơ hoàn toàn mơ mộng
, cũng không còn ai dám ngâm nga nữa.
Một hôm , gần ngày bãi trường nghỉ hè , chương trình niên khoá đã dạy hết
rồi , một giáo sư Pháp lớp đệ Nhất niên của Tuấn lần đầu tiên đem vụ vua
Duy-Tân ra nói cho học trò nghe. Ông mạt sát vị hoàng đế cách mạng , và