Học trò ngồi im lặng , cúi đầu nghe. Vừa có trống trường đánh một hồi
"Thùng thùng thùng thùng... " , mãn buổi học sáng ,11 giờ. Ông còn dừng
lại , nói ráng thêm mấy câu hùng hổ, rồi bước ra đi. Cả lớp đứng dậy chào
ông.
Ông giáo sư chỉ mặt Trần anh Tuấn :
- Mầy đã hiểu bài học ấy chưa ?
Tuấn làm thinh. Ra về , có năm bảy trò cùng lớp đi theo bên cạnh Tuấn ,
nói nhỏ bên tai như an ủi Tuấn một phần nào :
- Mầy đừng sợ. Ông directeur doạ mày đó , chứ ông không gửi thư cho ông
Công sứ tỉnh mày đâu. Ông không bỏ tù mày đâu.
Nhưng đa số học sinh khác trong lớp Đệ Nhất Niên , bạn thân hay không
thân của Tuấn , đều lánh xa , sợ đến nỗi không dám đi gần Tuấn , sợ ông
directeur để ý , sợ nói chuyện với Tuấn sẽ bị liên can , sợ sẽ đi ở tù , sợ , sợ
... không biết sợ cái gì nữa.
Xét ra tinh thần thanh niên Việt Nam -- lấy thanh niên học sinh và trí thức
làm điển hình , vì thời bấy giờ , chỉ có lớp thanh niên học sinh và trí thức là
đáng chú ý hơn cả , -- thì có thể chia làm ba hạng , ở Trung Kỳ , cũng như
ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Một hạng , thiểu số như Trần anh Tuấn , cũng học chữ Pháp , hấp thụ say
mê văn hoá Pháp , khâm phục văn minh khoa học rất kỳ tài của Pháp ,
nhưng lòng ham mến và kính phục ấy không bao giờ đè át được tinh thần
bất khuất truyền thống của giống nòi. Tuấn , con trai một anh dân nghèo ,
làm thợ mộc, được theo đòi văn hoá Pháp , nói tiếng Tây đã thông thạo ,
viết chữ Tây đã trôi chảy , đọc sách Tây đã nghiền ngấm say sưa , thế mà
chỉ một hình ảnh của vua Duy-Tân đã in sâu vào đầu óc , chí khí quật
cường của vị hoàng đế còn nhỏ tuổi , đủ gợi dậy truyền thống Dân Tộc
trong dòng máu , trong tư tưởng , thế cũng đủ thấy rằng tinh thần dân tộc là
yếu tố bất diệt của Lịch sử , bất cứ ở thời đại nào.
Nhưng trong thời kỳ người Pháp mới đô hộ xứ ta , nói rõ hơn là từ năm
1900 đến 1924-1925 , hạng thanh niên ái quốc có tinh thần dân tộc , học
sinh như Trần anh Tuấn , công chức như thầy thông Vinh ở sở Hoả Xa , hãy
còn ít lắm , ít lắm...