Nguyễn Vỹ
Tuấn, chàng trai đất Việt
Chương 11
Ông Vua mà còn bị Tây bắt, Tây đày đi xa, huống hồ là Dân. Họ sợ là sợ
như thế đó. Đồng thời, như Lịch sử đã chép, các đảng viên trong phong trào
Duy-Tân khởi nghĩa đều bị bắt, bị chém, bị đày đi Côn Lôn, bị tù ở các
khám đường Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi... Nhưng Lịch
sử không chép tên tuổi một số thanh niên, hầu hết là các công chức, tư
chức, các Thầy giáo các trường Pháp-Việt, bị liên can vào phong trào này.
Một số đông bị tù, trong đó có thầy thông Vinh làm ga xe lửa Huế, chủ nhà
trọ của Trần anh Tuấn. Hình như thầy có bí mật giao thiệp với một đảng
viên quan trọng ở ngay Đế Đô.
Trần anh Tuấn về quê nghỉ hè, trong lòng không yên vì những biến cố kinh
khủng ấy. Tuấn đi xe lửa vào Tu-Ranh, thuê xe kéo vào Faifoo rồi theo ghe
bầu đi đường biển về tỉnh nhà. Tuấn lo ngại cho thân phận mình, không
dám ghé thăm ông chủ chiếc ghe bầu ở Thu Xà, quen với thân phụ Tuấn, và
có con gái muốn để dành gả cho Tuấn sau này. Xuống bến Thu Xà, công
việc đầu tiên của Tuấn là kiếm đi mua một chiếc đòn gánh, cột nơi hai đầu
hai gói lớn đựng quần áo và các sách vở học ở trường mà Tuấn đem hết về
nhà để định học ôn lại trong ba tháng nghỉ hè.
Ngủ tạm tại nhà người chủ ghe vừa đưa Tuấn từ Hội an về, sáng hôm sau,
trời vừa hừng đông. Tuấn đã thức dậy đặt đòn gánh lên vai, khởi hành đi
chưn không về tỉnh. Cậu học trò đệ nhất niên, 13 tuổi, học ở Huế về, gánh
hai gói hành lý nặng trĩu, đi đủng đỉnh trên con đường cái quan mới đắp,
quanh co, gồ ghề, xa mười mấy cây số dưới ánh nắng oi ả của mùa hè. Trên
quan lộ từ Thu Xà lên tỉnh, xe kéo bánh sắt cũng không có. Không có một
loại xe nào cả. Tất cả mọi người đều đi bộ, nhưng họ chỉ đi từng chặng, chỉ
có một vài người "các chú" đi lên tỉnh buôn hàng mà thôi.
Trời chạng vạng, Trần anh Tuấn mới về tới nhà. Chú Ba thợ mộc đang ngồi
ăn cơm với thiếm Ba, mẹ Tuấn và đứa em trai của Tuấn, 5 tuổi, ở trần trùng
trục, mũi dãi lòng thòng, bổng thấy Tuấn gánh hai gói hành lý trên vai đủng