năm mầu.
Nhiều người trông thấy đẹp, tuy không hiểu gì cả, nhưng cũng bảo Tuấn vẻ
cho mổi người một bản, tô mầu, đề chữ Quốc ngữ, và họ ghi chữ Hán một
bên, đem về nhà dán trên vách tường để coi chơi. Như một thầy giáo, trò
Tuấn giảng cho mọi người nghe : trên hoàn cầu có năm châu, và nước "An
Nam" ở về châu Á... Ai nấy nghe mê.
Mực viết, mà mọi người gọi là "mực tây" cũng rất hiếm. Chỉ có vài nhà
hàng "các chú" bán nhưng giá rất mắc, và chỉ có mỗi một thứ mực tím mà
thôi. Không hiểu tại sao mực xanh và mực đỏ không có. Mực tím nước mỗi
ve ( mỗi bình ) vuông vức và nhỏ, một bề độ ba phân, giá bán 3 tiền một
ve, mực bột, (chưa có mực viên ) thì 1 tiền một gói nhỏ đủ hoà ra được một
bình.
Nhà Tuấn nghèo, không có tiền mua mực, Tuấn đi dạo khắp trong tỉnh
thành, xem những nhà nào có trồng bông bụt ( tiếng Bắc gọi là hoa dâm-bụt
), lén hái hoặc xin, đầy một thúng. Về nhà, Tuấn ngắt cuống, bỏ bông vào
một nồi nước đun trên bếp lửa.
Mẹ Tuấn hỏi :
- Nấu bông bụt làm chi vậy con ?
- Dạ, thưa mẹ, con bắt chước học trò ở Huế nấu mực tím, khỏi tốn tiền mua
mực tây.
Tội nghiệp Tuấn. Mùa nắng nực, buổi trưa oi ả mà Tuấn cứ phải ngồi chụm
lửa, và cầm ống dang thổi mãi cho lửa cháy phừng phực để nước mau sôi.
Tuấn mình mẩy ướt đẫm mồ hôi như tắm mà cứ ngồi lì bên bếp lửa, tay
cầm đôi đũa xáo trộn không ngớt những cánh bông bụt cho chín đều, cho
thật nhuyễn... Nước sôi sùng-sục, khói toả nghi ngút làm cay mắt Tuấn,
nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Một lúc lâu, nước cạn còn độ một tô
Tuấn mới bằt nồi xuống, đem ra ngoài cửa có gió mát, ngồi chờ cho nước
nguội. Tuấn lấy đũa vớt xác bông bụt bỏ đi, rồi nghiêng nồi nước đổ ra tô .
Tuấn vui mừng, reo lên :
- Mẹ ơi, mẹ. Ra coi con nấu được mực rồi đây nè !
Thím Ba ở nhà trên đang gọt khoai lang, liền bỏ dao trong thúng chạy
xuống cửa bếp để mà coi. Thím cũng vui sướng và ngạc nhiên thấy một tô