trong cung trở ra, thì các tế-viên rảo bước đi rất nhanh, và trống đánh cũng
theo một nhịp mau, gấp, thúc-dục. Điệu trống lúc đó, gọi là trống lảng, tức
là trống dục lảng ra, cho mau. Nay dùng rộng ra, câu đánh trống lảng
thường dùng để chỉ việc một người đang nghe người ta nói câu chuyện này,
thì nói lảng ra chuyện khác hoặc đang ở chỗ này, vội lảng ra chỗ khác, «
chuồn » đi nơi khác, để tránh sự bất lợi hoặc không hay cho mình.
Đánh trống lấp – Trong các cuộc tế Thần, (tức Thành Hoàng) tế
Thánh (tức Khổng-Tử) sau khi dâng hai tuần rượu, thì đọc văn tế (tức là
độc chúc). Đọc văn tế theo lệ kỵ húy (kiêng tên húy) của đạo Khổng, khi
đọc đến tên Thần, tên Thánh, hay là chức-tước của Thần Thánh, người ta
đọc lẩm nhẩm trong miệng, chớ không đọc thành tiếng rõ ràng ; tuy nhiên
vẫn sợ người ngoài nghe lỏm biết tên húy Thần, Thánh (điều người ta
kiêng) nên đọc đến chức tước và tên Thần, Thánh, người ta còn điểm mấy
tiếng trống thật to, để làm lấp tiếng người đọc. Đánh trống lúc đó, gọi là
đánh trống lấp. Nguyên do ba chữ đánh trống lấp là như thế. Ngày nay
người ta thường dùng câu đánh trống lấp để chỉ việc viện lý sự hay duyên-
do hoặc kể-lể lôi-thôi dài dòng mục-đích để lấp-liếm câu chuyện chính
hoặc che lấp lỗi lầm của mình.
Đánh trống qua cửa nhà sấm – Câu này dịch ý câu tục ngữ Tầu «
Kích cổ lôi môn » (nghĩa là đánh trống ở cửa sấm) : Sấm kêu rầm trời, đánh
trống qua cửa (hoặc trước cửa) sấm thì tiếng trống dù kêu to đến đâu, cũng
bị tiếng sấm át đi không ai nghe thấy. Câu này nghĩa bóng trỏ việc làm liều-
lĩnh ngốc dại biết trước không có kết-quả cũng cứ làm. Thí dụ như nói chữ
(Nho) trước mặt các vị Khoa, Bảng, ngâm thơ trước mặt các nhà thi-hào,
khoe tiền bạc trước các nhà triệu-phú, người ta đều gọi là « đánh trống qua
cửa nhà sấm ».
Đất có Thổ-Công, sông có Hà-Bá – Người thời xưa giầu óc mê tín,
cho rằng chỗ nào cũng có thần coi giữ, thần giữ đất là Thổ-Công, thần giữ
sông là Hà-Bá. Câu này ngày nay thường dùng để nói rằng chỗ nào có
người trị-nhậm chỗ ấy, non sông nào thì có người anh-hùng chỗ nấy.