Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng, thác xuống Âm-Phủ hỏi mang
được gì – Vua Ngô tức là vua Tàu, ngày xưa được nước ta coi là ông vua
lớn nhất thiên hạ, vì coi nước Tàu là trời, là thiên triều. Ba mươi sáu tàn
vàng tức là nhiều tàn vàng lắm. Xưa tàn vàng tượng-trưng cho quyền hành
tối cao của nhà vua. Nhiều tàn vàng tức là lắm quyền-hành, tức là quyền
thế lớn mạnh lắm. Nhiều tàn vàng là biểu hiện sự giầu có sang trọng của
nhà vua. Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng : Vua Tàu quyền thế và giầu sang
tột bực. Vua Ngô ba mươi Sáu tàn vàng thác xuống âm-phủ hỏi mang được
gì ? Quyền-thế và giầu sang như vua Ngô khi chết xuống âm-phủ (dưới
đất) cũng không mang theo được cái gì cả. Đại ý câu này muốn nói người
chết là của hết, có ý khuyên người đời không nên bo-bo giữ của nên bỏ tiền
bạc ra để cho đời sống được đầy đủ sung-sướng thì hơn.
Vui cảnh nào chào cảnh ấy – Vui là thích. Cảnh là phong cảnh, cảnh
chí, cảnh chùa, Chào là chầu, lễ. Vui cảnh nào chào cảnh ấy : Vui chùa nào
lễ chùa ấy ý nói nhân tâm tùy thích, ai vui cảnh nào thì vui.
Vụng chèo khéo chống – Chèo là dùng bơi chèo đẫy nước để chổ
thuyền bè đi. Chống là dùng con sào cắm chếch xuống đáy nước để đẫy cho
thuyền bè đi. Vụng chèo khéo chống : Chèo thì vụng nhưng lại khéo chống
nên thuyền bè vẫn đi được như thường. Người ta thường dùng câu này để
nói người trót làm điều vụng về, lầm lỗi mà khéo biện bạch, chống đỡ để
gạt bỏ trách-nhiệm mình, hay làm nhẹ bớt gánh trách-nhiệm.
Vụng múa chê đất lệch – Múa vụng, múa lệch-lạc không được gọn
gàng đẹp mắt, không chịu nhận là mình vụng múa, lại chê đất lệch nên múa
không được khéo. Câu này ngụ ý chê kẻ làm lỗi không nhận lỗi lại viện lý
để che lỗi.