nợ để lâu ngày không trả, sẽ bị bỏ quên đi như không.
Lòng vả cũng như lòng sung – Quả vả to, quả sung nhỏ, nhưng đều
thuộc một loại. Trong lòng hai quả đều giống in nhau. Người ta thường
mượn câu này để nói lòng người ai cũng như ai, đều muốn đẹp muốn giầu,
ghét nghèo ghét xấu, ưa việc lành ghét việc dữ. Ý nghĩa câu này cũng na-ná
ý nghĩa câu : bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy.
Lọt sàng xuống nia – Sàng gạo thì hột gạo lọt qua sàng xuống nia, đó
là một việc dĩ-nhiên. Người ta thường dùng câu này đề nói rằng quyền lợi
trong gia-tộc phi về anh thì về em, phi về ngành trên thì ngành dưới, quanh
quẩn vẫn ở trong một nhà một họ (ví với cái nia) chứ có ra ngoài đâu mà sợ
thiệt.
Lợi thì nuôi lợn nái hại thì nuôi bồ câu – Lợn nái tức là lợn cái, lợn
sề ; lợn nái mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa bảy, tám, có khi đến mười lợn con.
Lợn con nuôi ba tháng đã bán làm lợn giống được. Cho nên nuôi lợn nái rất
lợi. Bồ câu ăn thóc rất tốn. Bồ câu lại hay ỉa trên mái nhà và vào bể nước
làm bẩn cả nước mưa nước bể. Nên người ta cho là nuôi bồ câu không lợi,
mà có hại.
Lớn người to cái ngã – Người càng lớn thì cái ngã càng to, vì người
lớn nặng cân, ngã tất mạnh. Theo nghĩa bóng câu này muốn nói : người làm
nên danh phận cao bao nhiêu, thì khi gặp vận xấu lại xuống thấp bấy nhiêu,
người giầu có sung-sướng bao nhiêu khi bị sa-sút lại khổ-sở bấy nhiêu. Ý
nghĩa cũng tương tự ý nghĩa câu : « Càng cao danh vọng càng đầy gian
nan », hoặc câu : « trèo cao ngã đau ».
Lửa cháy đổ dầu thêm – Lửa đang cháy, mà đổ thêm dầu thì lửa lại
càng cháy mạnh, đại-ý câu này nói làm to chuyện thêm, làm cho câu
chuyện thêm lôi-thôi rắc rối, đáng lẽ phải dẹp nó đi.
Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo – Lưỡi không có xương nên
uốn lắt-léo thế nào cũng được. Nghĩa bóng, câu này thường được dùng để
chê người ăn nói trước sau bất nhất, lúc nói thế này lúc nói thế khác.