M
Mạ nhờ nước, nước nhờ mạ – Mạ nhờ nước nên xanh tốt. Nước nhờ
mạ xanh tốt che chở cho, khỏi bị giãi nắng. Người ta thường mượn câu này
để nói người ta ở đời người nọ nhờ người kia, người kia lại nhờ người nọ,
không ai sống một mình được.
Mạnh về gạo bạo về tiền – Gạo đây là cơm gạo, người ta mạnh khoẻ
là nhờ cơm gạo, không có cơm gạo ăn thì không ai mạnh được. Tiền là tiền
của, có tiền của, thì người ta dám làm những việc to-tát, lớn-lao, không sợ
thua lỗ, tốn kém thế tức là mạnh bạo. Đại ý câu này nói Kinh-tế làm nên
sức mạnh.
Máu chảy ruột mềm – Máu chảy tức là đứt thịt chảy máu ra. Ruột
mềm tức là đau đớn ; khi người ta đau đớn thì hình như ruột mềm nhũn ra.
Câu này nghĩa là thân thể bị thương chảy máu thì trong ruột cảm thấy đau-
đớn. Nghĩa bóng, câu này muốn nói người trong máu-mủ họ hàng bị hoạn-
nạn thì mình cũng cảm thấy thương sót.
Mâm cao đánh ngã bát đầy – Mâm cao là mâm cỗ to chồng chất
những thịt cá, thức ăn. Ngày xưa, tục các làng hay có cuộc thi làm cỗ to, cỗ
làm trên mâm qui vuông, chồng chất đĩa bát đựng thức ăn thức nấu thành
năm bảy tầng có khi cao mười, mười hai tầng, mỗi tầng có phên tre ngăn.
Thành ra năm, bẩy mâm cỗ chất thành một mâm cỗ. Do đó, mâm cao tức
mâm cỗ nhiều tầng tức là mâm cỗ to. Bát đầy là bát cơm đầy. Câu này
nghĩa là : có nhiều thức ăn thì ăn được nhiều cơm. Ý nghĩa cũng gần như
câu « con cá đánh ngã bát cơm ».
Mẹ hát con khen hay – Mẹ hát thì hát hay hay dở con cũng khen là
hay. Vì : 1) Con bao giờ cũng kém mẹ, mẹ hát dở con cũng không biết mà
chê ; 2) Con bao giờ cũng kính yêu mẹ, mẹ hát dở cũng cứ cho là hay ; 3)
Mẹ có thể đánh mắng con, dù biết mẹ hát không hay, con cũng không dám
chê. Cho nên lời khen của con không có giá-trị. Người ta thường mượn câu