Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm – miệng thì nói thơn-thớt ra bộ nhân
nghĩa tử-tế lắm, nhưng trong bụng dạ thì cay-gắt như là có ớt ngâm vậy.
Người ta thường dùng câu này để chê người chỉ tử-tế ở đầu lưỡi, những kẻ
đạo-đức giả. Ý nghĩa câu này cũng tương tự ý nghĩa câu « khẩu Phật tâm
xà » nghĩa là miệng thì hiền như Bụt mà lòng dạ thì độc như rắn.
Môi hở răng lạnh – Môi để hở không mím lại, thì răng sẽ lộ ra bị
lạnh, vì gió sẽ lọt vào. Người ta lấy chuyện môi với răng để ngụ ý khuyên
anh em đồng bào một nhà một nước nên che chở đùm bọc lấy nhau.
Mồm miệng đỡ chân tay – Chân tay làm vụng, lấy mồm miệng
chống đỡ, ý nói làm thì vụng-về, nhưng mồm miệng khéo chống-chế. Hoặc
không làm được việc gì, mà chỉ khéo nói. Câu này chê kẻ tài mồm mép còn
làm thì không ra gì.
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao –
Câu này đại ý nói hợp quần làm nên sức mạnh, góp nhiều sức nhỏ lại thành
sức to. Nhưng cổ nhân đã có chỗ sai lầm trong việc thí dụ. Non là núi ; núi
thì bằng đất hay bằng đá. Vậy ba cây hoặc ngàn vạn cây cũng chỉ có thể
làm nên rừng thôi, chứ không thể làm nên non hay hòn núi cao được. Giá
nói : Một cây làm chẳng nên rừng, thì có lẽ đúng hơn.
Một đêm nằm một năm ở – Nằm đây là nằm trọ, nằm đỗ, ngủ đỗ dọc
đường. Ngày xưa trật-tự an-ninh trong nước chưa được duy trì chặt chẽ cho
lắm, ngủ đỗ dọc đường thường hay gặp nhiều nỗi nguy hiểm. Người ngủ đỗ
thường nom nớp lo sợ suốt đêm, chỉ mong cho trời chóng sáng để thoát
nạn. Cho nên người ta thấy một đêm nằm trọ dài bằng cả một năm ở nhà.
(Ở tức là ở nhà).
Một đồng không thông đi chợ – Một đồng là một đồng tiền. Không
thông là không xuôi, nghĩa cũng như không đủ, không đáng. Câu này nghĩa
đen là đi chợ mà có một đồng tiền thì không bõ đi. Theo nghĩa bóng, câu
này thường được dùng để nói việc nhỏ nhặt, không bõ đem ra chỗ trái phải.
Một miếng giữa làng bằng sàng xó bếp – Một miếng giữa làng là
một miếng thịt ăn ở giữa đình làng. Sàng xó bếp là cả sàng thịt ăn ở xó bếp.