PHẦN THỨ NHẤT
DẤU VẾT CỦA CHIẾN TRANH
Trường học im lặng. Giờ học đã bắt đầu. Bà hiệu trưởng đang làm việc ở
văn phòng bỗng có tiếng gõ cửa.
- Xin mời vào! - Bà mời mà vẫn không ngẩn lên nhìn khách.
Trên bàn là thời khóa biểu giờ giảng của toàn năm học 1947 - 1948.
Natalia Zakharovna tay trái đưa chiếc kính cũ lên trước mắt, tay phải đưa
bút chì lần theo thời khóa biểu: bà đang lập kế hoạch thăm lớp. Đưa mắt
thoáng nhìn người đàn ông mới bước vào, bà chỉ chiếc ghế, mời:
- Mời đồng chí nghồi. Tôi sắp xong bây giờ.
Người đàn ông mới vào tay chống gậy, chậm rãi ngồi xuống ghế, lấy
trong túi ra một tờ giấy đã được gập lại ngay ngắn, mở tờ giấy ra đặt xuống
bàn và trong khi chờ đợi nói chuyện với bà hiệu trưởng, anh ngắm bức
chân dung Lenin treo trên tường. Anh hiểu ngay rằng bức chân dung này
do một bàn tay rất có tài nhưng còn chưa điêu luyện vẽ nên. Nhất là đôi
mắt. Không biết có phải đó là một sự thành công bất ngờ hay là kết quả của
một quá trình lao động miệt mài, nhưng đôi mắt ấy được vẽ rất đạt, rất
sống: hơi nheo lại hiền từ và ánh lên một niềm vui sảng khoái.
- Đó là tác phẩm của Voronin... Khi cậu ấy học lớp bảy - bà hiệu trưởng
giải thích và đặt bút chì xuống bàn.
- Voronin - họa sĩ trang trí nhà hát - anh ấy học ở trường này ạ?
- Vâng... Có phải đồng chí là phụ huynh học sinh không?
- Không, tôi không phải là phụ huynh học sinh đâu chị Natalia
Zakharovna ạ! Tôi đến để trao đổi... Tuy rằng trước chiến tranh chúng ta đã
có dịp gặp nhau.
Bà hiệu trưởng chăm chú nhìn khách. Trước mắt bà là một khuôn mặt
gầy gầy, nước da tái nhợt với những đường nét thanh tú, vầng trán rộng, cái