và một cái bánh mì sandwich kẹp kem. Khi vừa nhìn thấy đống thức ăn của
anh ấy, tôi đã muốn hét toáng lên.
Dì tôi, khi đó ở bệnh viện để giúp tôi chăm sóc đứa bé, nhanh chóng đuổi
chồng tôi ra khỏi phòng và kêu anh đến căng tin. Khi dì quay trở lại, tôi bắt
đầu lên án anh. Tôi sẽ không bao giờ đến thăm bệnh nhân trong bệnh viện
và ăn bữa trưa ngon lành trong khi người bệnh phải ngồi đó nhìn mà không
thể ăn. Chắc chắn điều này nghĩa là cuộc đời tôi đang thay đổi vì đứa bé
mới sinh trong khi cuộc đời anh vẫn vậy.
Dì lắng nghe tôi càm ràm một lúc. Sau đó, dì nhẹ nhàng nói, “Meg này, dì
nghĩ các tiêu chuẩn của cháu quá cao.”
“Còn các tiêu chuẩn của dì thì quá thấp!” Tôi phản bác lại, nghĩ đến những
đêm dì phải nấu bữa tối cho bác trước khi ra ngoài ăn cùng bạn bè, hay
những lúc bác tôi ngồi đọc sách trong khi dì tất tả ngược xuôi. Dì đang phản
bội mình, tôi nghĩ vậy.
Nhiều năm sau, tôi hiểu ra rằng cả hai chúng tôi đều đã đúng. Dì tôi thuộc
về một thế hệ khác và dì đã chấp nhận sự phân chia lao động mà chắc chắn
sẽ không phù hợp với tôi. Nhưng tôi đã không công bằng với chồng mình.
Anh ấy cũng đã thức suốt 72 tiếng đồng hồ. Anh đã đứng bên cạnh tôi suốt
lúc tôi trở dạ cũng như khi phẫu thuật. Anh đã lo lắng cho sức khỏe của vợ
và con trong nhiều ngày. Bác sĩ bảo anh đi ăn và anh đã nhanh chóng mang
đồ ăn của mình quay lại phòng bệnh để có thể ở bên tôi. (Và hoa đã được
gửi đến ngay sau khi anh bị đuổi sang khu căng tin.)
Giờ đây, tôi đổ lỗi về lối cư xử tệ hại của mình đối với chồng (và với dì tôi)
cho sự đau đớn, kiệt sức và cho việc tôi đã không nhận ra rằng chồng tôi và
tôi phản ứng trước căng thẳng theo những cách khác nhau. Anh xoa dịu bản
thân bằng cách ăn những thứ ngon lành vì anh có thể ăn. Tôi nổi giận vì
mình không thể ăn. Chỉ vậy thôi.