Hòa hợp và tiến bộ
Bản thân cuộc sống là một nhà trị liệu rất hiệu quả.
— Karen Horney, nhà phân tích tâm lý
Tình yêu và công việc là nền tảng cho nhân tính.
— Sigmund Freud, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và người sáng lập ra Phân
tâm học
Trong nhiều năm, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà nghiên
cứu tính cách về việc liệu con người có thay đổi sau tuổi 30 hay không.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, nói một cách tương đối thì không. Sau
tuổi 30, các suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của chúng ta duy trì cực kỳ ổn
định. Những người tương đối hướng ngoại tiếp tục tương đối hướng ngoại,
còn những người tận tâm tiếp tục tận tâm.
Nhưng vẫn có những bất đồng về việc chính xác con người không thay đổi
đến mức nào. Một bên nói “Nếu không có những can thiệp hay những sự
kiện vô cùng tồi tệ, thì các nét tính cách về cơ bản có vẻ là đã cố định sau
tuổi 30.” Bên kia có vẻ lạc quan hơn, cho rằng vẫn có một số thay đổi dù
“không quá lớn lao.” Dù sau tuổi 30 ta có thay đổi một chút hay không thay
đổi gì, thì gần đây các quan điểm bên trong cuộc tranh luận về thời kỳ sau
tuổi 30 cũng đã nhất trí về một điều mà nhiều bác sĩ lâm sàng đã biết từ lâu:
Tính cách của con người thay đổi trong những năm tháng tuổi 20 nhiều hơn
so với bất kỳ giai đoạn nào trước hoặc sau đó.
Đây là một tin quan trọng bởi theo kiến thức thông thường thời thơ ấu hay
niên thiếu là lúc tính cách hình thành. Có một câu châm ngôn của Jesuit
“Hãy trao cậu bé cho tôi đến năm cậu bé được bảy tuổi, rồi tôi sẽ trao lại
cho bạn một người đàn ông.” Lý thuyết phát triển tính cách của Freud chấm