80 tuổi, mà là giữa những đứa bé chập chững tập đi và các cụ già . Điều này
đặc biệt đúng với những người có trình độ học vấn cao, có xu hướng trì
hoãn việc sinh con lâu nhất. Họ sẽ sớm đối mặt với việc phải chăm sóc hai
nhóm người thân phụ thuộc hoàn toàn vào họ ở chính thời điểm họ cần
quay lại làm việc nhất.
Mọi chuyện thay đổi khi ông bà không thích trông cháu và khi họ không
trông nổi lũ trẻ dù chỉ trong một ngày cuối tuần để bố mẹ chúng có thể đi
chơi. Nhưng đó là bởi ta chưa thấy các tác động khó định lượng và xót xa
hơn – về khoảng cách xa hơn giữa các thế hệ. Có gì đó thật chạnh lòng khi
nhìn một người bà 80 tuổi đến bệnh viện thăm cháu. Thật buồn khi nhận ra
họ sẽ chẳng còn nhiều ngày đi dạo hay những kỳ nghỉ lễ được ở bên nhau.
Cảm giác gần như tội lỗi khi nhìn con mình và tự hỏi chúng sẽ còn được
gặp ông bà mình bao lâu nữa.
Cách tốt nhất tôi biết để giải thích chuyện này là kể về Billy. Anh không
phải là người ngoài cuộc. Anh là một người đàn ông thông minh, có trình
độ đại học. Anh đã nghe nói rằng những năm tháng tuổi 20 là cơ hội cuối
cùng để vui chơi và phiêu lưu với mục tiêu thu thập “một vài điều hối tiếc
và một triệu kỷ niệm.” Chuyện không hẳn đã kết thúc như vậy. Billy hối
tiếc rất nhiều về những gì anh theo đuổi trong độ tuổi 20 của mình, những
điều mà sau này anh mới nhận ra là nó chẳng quan trọng, hay thậm chí là
đáng nhớ, như anh từng nghĩ.
Tôi làm việc với Billy khi anh đang ở những năm giữa độ tuổi 30, khi đó
anh đã kết hôn, có một cậu con trai và trở nên nghiêm túc hơn với công
việc. Thật căng thẳng khi cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc. Anh thường
cảm thấy công việc và gia đình cần nhiều sự chú ý quan tâm hơn là anh có
thể đem lại. Một ngày, tại văn phòng, anh cảm thấy đau đầu và ngực đến
mức phải gọi vợ đến chở đi bệnh viện. Ngày hôm sau, anh đi chụp MRI và
may mắn là không có gì nghiêm trọng.