đạt kết quả học tập không mấy khả quan. Cô ghen tỵ với những người bạn
được đọc các tài liệu thú vị và tìm kiếm mọi cơ hội tham gia hoạt động
nghệ thuật ngoại khóa. Sau 2 năm chật vật với môn sinh học và dành toàn
bộ thời gian rảnh rỗi cho những gì mình thực sự yêu thích, Helen chuyển
sang ngành nghệ thuật. Bố mẹ cô nói, “Con sẽ làm gì với ngành đó cơ
chứ?”
Sau khi tốt nghiệp, Helen thử sức với công việc nhiếp ảnh tự do. Khi sự bấp
bênh của công việc bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hóa đơn
điện thoại, cuộc đời nghệ sĩ dần mất đi ánh hào quang của nó. Không có
bằng dự bị y khoa, không có tương lai rõ ràng trong công việc nhiếp ảnh,
hay thậm chí là điểm số khả quan trong những năm đại học, Helen không
biết phải bước tiếp ra sao. Cô muốn tiếp tục theo đuổi con đường nhiếp ảnh
nhưng không biết phải làm thế nào. Cô bắt đầu trông trẻ, kiếm sống qua
ngày. Năm tháng qua đi và bố mẹ cô thường nói, “Thấy chưa, bố mẹ đã bảo
rồi.”
Hiện Helen hy vọng rằng một bước lùi thích hợp hay một cuộc nói chuyện
đúng đắn khi trị liệu hoặc trao đổi với bạn bè có thể thực sự hé lộ về bản
thân cô. Theo cô, sau đó cô có thể bắt đầu cuộc sống. Tôi nói với cô rằng
tôi không chắc và một khoảng thời gian dài suy ngẫm về bản thân thường
phản tác dụng cho những người trong độ tuổi 20.
“Nhưng ai ở tuổi này mà chẳng vậy ạ”, Helen nói.
“Như thế nào cơ?” Tôi hỏi.
“Bị khủng hoảng ấy ạ”, cô trả lời.
“Ai nói vậy?” Tôi hỏi.
“Cháu không biết. Ai chả nói vậy. Trong sách cũng viết thế”.