người Alain: “Chết vì già hay vì tai nạn là một sự sỉ nhục và hèn nhát”. Trong
những xã hội như vậy, chắc hẳn người già không nhiều và bị khinh miệt. Có thể
suy luận ra rằng cuộc sống của họ vẫn khó khăn một khi các đoàn người chiến
chinh này định cư trên mặt đất. Người Germain rất coi trọng tinh thần đoàn kết
gia đình, nên những “cái miệng vô ích” đều được chăm sóc. Nhưng một sự kiện
cụ thể chỉ ra rằng trong quá trình già lão, cá nhân trải qua một sự suy thoái: đó là
sự đền bù bằng tiền bạc bắt buộc trong trường hợp sát hại một người tự do. Ở
thế kỷ VI, luật pháp Visigoth quy định:
60 đồng tiền vàng đối với một đứa trẻ 1 tuổi;
150 đồng tiền vàng đối với một đứa con trai 15-20 tuổi;
300 đồng tiền vàng đối với một đàn ông 20-25 tuổi;
200 đồng tiền vàng đối với một đàn ông 50-65 tuổi;
100 đồng tiền vàng đối với một đàn ông trên 65 tuổi;
250 đồng tiền vàng đối với một đàn bà 15-40 tuổi;
200 đồng tiền vàng đối với một đàn bà 40-60 tuổi,
Theo luật pháp của người Burgon, giá là 300 đồng tiền vàng đối với lứa tuổi
20-50; 200 đối với tuổi 50-65 và 150 đối với tuổi trên 65. Luật của người Phrăng
miền biển (loi salique) quy định một giá thống nhất đối với mọi lứa tuổi.
Sự kiện thứ hai đánh dấu sự cáo chung của thế giới cổ đại là thắng lợi của đạo
Cơ đốc: tôn giáo này được áp đặt trong lòng đế chế La Mã, lan tràn đến Người
man rợ, trở thành ý thức hệ ở phương Tây. Nó có cải thiện được tập tục không?
Và đặc biệt là có làm thay đổi được số phận người già không? Có thể nghi ngờ
điều đó. Nó chỉ có thể lan rộng trong lúc từ bỏ lý tưởng bác ái và tương trợ ban
đầu. Từ thế kỷ III, tinh thần trần tục đã tồn tại trong giới Cơ đốc giáo. Nền tôn
giáo mới này hầu như không có chút ảnh hưởng nào tới tập tục. Ở La Mã, năm
374, nó ngăn cấm tội giết trẻ em, nhưng không cấm đoán hành vi bỏ mặc chúng;
không ngăn cấm chế độ nô lệ. Các dân tộc chỉ theo đạo Cơ đốc khi tôn giáo này
tuân theo tập tục của họ: tập tục của người Germain ảnh hưởng một cách đặc
biệt tới đạo Cơ đốc. Những người đứng đầu giới tăng lữ xác nhận một sự suy
thoái của đời sống tinh thần: việc thờ phụng các thánh dẫn tới hiện tượng phục
hồi những sự mê tín tà giáo.
Bị tập tục của các dân tộc được truyền giáo làm thoái hóa trên thực tiễn, đạo
Cơ đốc, về mặt ý thức hệ, kế thừa tư tưởng cổ đại. Lúc đầu, nó phản đối tư
tưởng này, và không hề dính dáng tới chủ nghĩa kinh điển Hy Lạp - La tinh; nó
đến với những tầng lớp nghèo khổ nhất và ít học nhất. Nhưng từ thế kỷ III, Giáo