quyền lực của ma quái, vào phép phù thủy; tôn trọng những điều cấm kỵ về tình
dục và về ăn uống trên cơ sở mê tín. Tòa án thế tục và thậm chí cả tòa án tôn
giáo cũng sử dụng lối thần đoán (ordalie) để xử kiện.
Thời hậu Đế chế La Mã (Bas-Empire) và thượng Trung đại (haut Moyen-
Age), người già hầu như bị loại trừ khỏi đời sống công cộng: lớp trẻ lãnh đạo
thiên hạ. Bị chia rẽ, hỗn loạn, bị uy hiếp và hiếu chiến, xã hội bị chỉ đạo bởi sự
may rủi của vũ khí hơn là bởi những thể chế vững chãi. Người có kinh nghiệm ít
có vị trí trong đó. Ở thế kỷ VII, Khindaswintz được người Visigoth đưa lên ngai
vàng và trả lại uy tín cho ngôi vua. Charlemagne trị vì cho tới 72 tuổi. Đó là
những ngoại lệ duy nhất tôi được biết. Vào thời kỳ này, phần lớn các giáo hoàng
là những người trẻ tuổi. Grégoire I, thủ lĩnh thực sự đầu tiên của Giáo hội toàn
thế giới, được bầu làm giáo hoàng năm 590, ở tuổi 50 và mất lúc 64 tuổi: ông là
người tương đối cao tuổi. Nhưng cho tới thế kỷ VIII, các giáo hoàng là những
người La Mã trẻ thuộc gia đình nền nếp, được dành cho Giáo hội vì nghèo và
mồ côi. Về sau, vì các giáo hoàng có của cải vật chất và quyền lực lớn nên tầng
lớp quý tộc thèm khát ngôi vị này. Vào thế kỷ IX và X, họ áp đặt cho Giáo hội
các thủ lĩnh, thông thường là người trẻ và bị truất ngôi ít lâu sau khi được bầu.
Thời hạn ngôi giáo hoàng không quá ba năm. Trong sáu chục năm - thời kỳ
được gọi là “thời kỳ cung nữ” (“Pornocratie”) - chính quyền tòa thánh phụ thuộc
vào phụ nữ. Có lúc những vị hồng y giáo chủ rất già được cử làm giáo hoàng;
nhưng Jean XII được bầu làm giáo hoàng lúc 16 tuổi, Benoit lúc 12 tuổi,
Grégoire V lúc 23. Dẫu sao, dù già hay trẻ, họ cũng chỉ là đồ chơi trong tay một
giai cấp quý tộc hùng mạnh.
Khoảng năm 1000, nhờ kinh tế phát triển tốt đẹp, một nền văn minh thoát
khỏi mây mù. Xã hội phong kiến ra đời với cội nguồn từ thế kỷ XIII, thời kỳ
xuất hiện chế độ chư hầu. Người cao tuổi chỉ giữ trong đó một vai trò lu mờ.
Việc quản lý một vùng đất được phong (fief) đòi hỏi người ta phải bảo vệ được
nó bằng lưỡi gươm. Chư hầu phải phục vụ lãnh chúa bằng quân sự. Sợi dây lãnh
chúa - chư hầu tồn tại cho đến khi chết và chỉ bị đứt khi tuổi tác khiến người
hiệp sĩ bất lực; nhưng từ đó, người này phải rút lui vào bóng tối. Chế độ thừa kế
đất phong hầu xuất hiện ở Pháp từ thế kỷ X; được phong kỵ sĩ vào lúc thích hợp,
chính người con trai bảo vệ đất phong hầu và phục vụ lãnh chúa. Khi cần thiết,
cũng chính anh ta phục hồi danh dự của dòng họ bằng vũ khí. Xã hội được chia
thành ba đẳng cấp: đẳng cấp những người cầu nguyện, đẳng cấp những người
chiến đấu và đẳng cấp những người lao động. Xã hội coi trọng thanh gươm hơn