Tuy vậy, trong thời kỳ tập việc, người lớn tuổi phải khắc phục một đôi điều
bất lợi. Tính dễ bị kích thích và nỗi lo âu của họ dẫn tới chỗ làm mất trí nhớ, và
tình hình nặng nề thêm khi họ phải đua tranh với những người trẻ. Một người 72
tuổi cũng xử lý thành công các tex như một người tuổi 35 chừng nào người đó
nghĩ mình thực hiện một mình các tex ấy; nhưng khi biết có một địch thủ trẻ
hơn, thì người đó thất bại, vì mặc cảm tự ti. Do sợ mắc sai lầm, người lớn tuổi
bất động trong một thái độ tiêu cực. Họ có khuynh hướng kéo dài những nhầm
lẫn của mình và bị tê liệt bởi những sự lắp ráp (montage) đã đạt được. Những
công nhân có hiểu biết về điện, theo những lớp điện tử khó khăn hơn những
người thợ mỏ cũ: sự so sánh dòng điện với một dòng sông làm họ bối rối. Họ
thường cũng thiếu sự chú ý, thiếu tính hiếu kỳ. Lúc đầu, họ quyết định chậm hơn
những người trẻ và vì vậy, thì giờ phản ứng lâu hơn. Nhưng thông thường họ
khắc phục những khó khăn này. Điều có lợi cho họ là sự lặp đi lặp lại: ở nhà
máy, họ làm suốt ngày những động tác đã học được và cuối cùng, thực hiện
chúng một cách máy móc. Cả ở đây cũng phải cảnh giác với những kết quả thu
được trong phòng thí nghiệm: không phải bao giờ cũng có thể áp dụng chúng
vào công việc hàng ngày.
Có thể dễ dàng bổ khuyết một số thiếu hụt do tuổi tác: cấp kính cho công
nhân, bố trí ghế sao cho họ có thể ngồi để thao tác, chứ không phải đứng, những
biện pháp như vậy đôi khi đủ để họ thích ứng được với nhiệm vụ. Nhưng ít có
doanh nghiệp áp dụng. Thông thường, hễ có chút sơ suất nhỏ, là công nhân bị
chuyển đổi công việc, bị bố trí làm người gác cửa, kiểm soát viên, trông giữ tủ
sách, nhân viên thẩm tra, người phân phát dụng cụ, coi kho v.v... Thực sự đây là
một sự giáng loại (déclassement). Người thợ lĩnh ít tiền hơn, chịu ảnh hưởng về
vật chất và tinh thần. Vả lại, những công việc này bớt dần với quá trình cơ giới
hóa, và người lao động lớn tuổi rơi vào cảnh thất nghiệp.
Nói chung, các cuộc điều tra và tấm gương của các nước Bắc Âu chỉ ra rằng
tình trạng nghỉ việc áp đặt đối với người già không phải là một tất yếu tự nhiên,
mà là hệ quả của một đường lối xã hội. Tiến bộ kỹ thuật làm mất tư cách người
công nhân già; quá trình đào tạo nghề nghiệp 40 năm trước đây, thường là bất
cập; nếu được bổ túc thích hợp, quá trình ấy có thể được cải tiến. Mặt khác, vì
bệnh tật, mệt mỏi, họ muốn nghỉ ngơi: đó không phải là những hệ quả trực tiếp
của quá trình già lão. Một người 65 tuổi biết giữ sức có thể làm không khó khăn
những công việc trở nên quá nặng nề đối với người công nhân già kiệt sức. Có
thể hình dung một xã hội đòi hỏi ở họ ít nỗ lực hơn, ít giờ lao động hơn ở thời