mỗi tháng, tức là 8 phrăng mỗi ngày. Bà chỉ sưởi ấm chút ít: mùa đông, bà dậy
muộn và đến các cửa hiệu hay nhà thờ. Thỉnh thoảng, bà đến rạp chiếu bóng:
một trong những rạp giá vé rẻ nhất, trước 13 giờ; bà ngồi lại trong hai, ba buổi
chiếu liền; khi đi, bằng tàu điện, khi về, đi bộ. Hầu như bà không chi tiêu cho
quần áo: mỗi mùa xuân, bà thuê tẩy một chiếc măngtô dùng đã mười năm. Mỗi
năm, bà mua ba đôi tất sợi, giá mỗi đôi 9,90 phrăng. Bà ăn rất ít: mỗi tuần, 3
miếng biptêch giá 2 phrăng, 3 hay 4 phrăng pho mát, hai kilô khoai tây. Bà
thường ăn tối với một quả táo và một ít đường và bơ. Mỗi tháng, bà uống hai lít
vang và mỗi tuần dùng một kilô cà phê. Bà có hai người cháu họ đã từng được
bà giúp lúc còn nhỏ. Nhưng họ sống ở tỉnh lẻ và bà không bao giờ gặp họ. Hầu
như chủ nhật nào bà cũng ăn trưa ở nhà một bà bạn. Bà mang tới một chiếc bánh
ngọt nhỏ, và bà bạn - vốn có một chị đầu bếp đích thực và có thể làm những
món ăn không thể đun nấu trên bếp dầu lửa - biếu bà những thức ăn còn lại để
xào nấu cho ngày hôm sau. Bà bảo bà không buồn. Bà dạo chơi nhiều; bà đọc tít
các báo ở tủ kính nhà hàng, và hàng xóm cho bà mượn báo ngày hôm trước. Khi
có điều kiện, bà dự các lễ hội ở Paris: bà từng đến dự tang lễ Charles Munch,
nhưng không dám vào vì chiếc măngtô cũ kỹ. Điều đen tối nhất trong cuộc đời
bà là chỗ ở. Mấy người bạn có hứa dành cho bà một căn bếp hai buồng trong
ngôi nhà họ ở Mante. Bà ao ước mãi. Nhưng những người bạn qua đời và con
cái họ cho người ta thuê căn buồng nhỏ.
Sau khi nắm bắt được trường hợp đặc biệt này, người ta sẽ hiểu phương
hướng ngân sách của một quỹ Bảo hiểm xã hội năm 1967.
Tiêu mỗi ngày từ 7 đến 10 phrăng để ăn, mặc, sưởi ấm, tức là cam chịu suy
dinh dưỡng, chịu lạnh, chịu mọi thứ bệnh tật sinh ra từ đó; là phải làm những
hành vi khốn khổ: nơi chợ búa, trong lúc người quét chợ dọn dẹp, làm vệ sinh và
nhà buôn vắng bóng, thì những bà già trông có vẻ sạch sẽ moi các thứ rác rưởi
và nhét đầy bị. Tình hình này đặc biệt nổi rõ ở Nice, nơi có nhiều người già: cả
một đám đông bà già nhỏ bé nhảy bổ vào đống trái cây và rau xanh đã thối rữa
đến một nửa. Theo một cuộc điều tra ở Marseille và Saint - Etienne về những
người già sống một mình, thì 10% đàn ông, 19% đàn bà “mấp mé nạn đói”.
Theo giáo sư Bourlière, nhiều nghìn người già hàng năm chết đói trong vùng
Paris. Và mỗi mùa đông, báo chí đưa tin về trường hợp người già chết rét.
Những người sống sót không những đau khổ về hoàn cảnh thiếu thốn cơ cực
của mình, mà còn cả về cuộc đời bấp bênh nữa. Ngân sách của họ thường xuyên
mất thăng bằng, khiến họ phải luôn kêu cứu dịch vụ xã hội. Những cơ quan họ