sau, số lớn vẫn giữ tình cảm ấy. Ở đấy có một câu lạc bộ - với thư viện, những
trò chơi khác nhau v.v... với 90% số người tham gia. Họ trả mỗi tháng 28 đôla,
tính ra, nói chung, có đắt hơn trước chút đỉnh; nhưng vì không gian và tiện nghi
được hưởng, họ cho giá ấy là phải chăng. Toàn bộ cuộc sống của họ thay đổi. Họ
cảm thấy thiếu tiền hơn trước vì muốn mua quần áo và đồ đạc, chứ không còn
xuềnh xoàng về nội thất và con người mình như trước. Nhưng họ sung sướng
thấy có thời gian rỗi rãi và có hàng nghìn cách để sử dụng chúng. Họ ghi tên vào
các nhóm, xây dựng những tình bạn mới trong lúc vẫn coi trọng những tình bạn
cũ và thường nói chuyện với gia đình qua điện thoại. Họ cảm thấy mình mạnh
khỏe hơn trước và cho là mình thuộc “lớp tuổi trung niên” trong lúc những
người cùng thời ở trong những căn nhà ngày trước nghĩ mình là người già hay
cao tuổi. Cuộc sống hoạt động, cuộc sống tình cảm của họ nảy nở và hầu hết
mọi người cho là mình hạnh phúc. Qua kinh nghiệm này và một vài kinh nghiệm
khác, ảnh hưởng của nhà ở đối với cuộc sống nói chung của người già tỏ ra cực
kỳ quan trọng. Vì vậy, tình hình tồi tệ nói chung về nhà ở là điều đáng tiếc.
Một vấn đề ngày nay được bàn cãi rất nhiều là tìm xem chỉ có người già ở với
nhau không thôi, có phải là điều hay hay không. Thành công của Victoria Plaza,
phần lớn là do nó ở ngay trung tâm một thành phố và những người ở trong đó
không hoàn toàn không có liên lạc với gia đình. Ở Mỹ, có nhiều “Khu nhà ánh
sáng” hoàn toàn chỉ có người già ở, với một mức sống rất cao. Những người đề
xướng, những người quản lý khu nhà cho rằng người già ở đây rất sung sướng
được sống với nhau. Nhưng đây là những doanh nghiệp mang lại nhiều lợi
nhuận và những người được hưởng khoản lợi nhuận ấy chỉ có lợi khí ca ngợi
món hàng của mình. Calvin Trillin, người từng viết một thiên phóng sự về một
trong những Khu nhà này, trên tờ Người New York, tỏ rất nghi ngờ về “niềm
hạnh phúc” ở đấy. Những người ở trong đó đã mua nhà, đầu tư nhiều tiền bạc và
cắt đứt liên lạc: họ buộc phải ở lại đây; số đông thu xếp ổn thỏa, nhưng như thế
không có nghĩa là nếu phải làm lại như vậy thì họ sẽ làm.
Ngày nay, người ta chủ trương xây dựng những căn nhà nhỏ độc lập và ở
trung tâm thành phố, sao cho người già ở gần con cái. Sẽ tốt hơn nữa nếu tổ
chức được, bên trong những chung cư có người ở đủ mọi lứa tuổi, những cụm
nhà ở gia đình dành cho người già, tuy độc lập nhưng có một số dịch vụ chung.
Khi người già không còn tự túc được nữa, cả về thể chất lẫn kinh tế, thì con
đường duy nhất của họ là dưỡng đường. Ở phần lớn nước, dưỡng đường mang
tính chất hoàn toàn phi nhân đạo: chỉ vừa đúng một chỗ để chờ cái chết.