Trong Kinh thánh, chỉ có một tình tiết gắn liền tật xấu chứ không phải đạo
đức với người già; tình tiết này nằm trong một công trình được biên soạn muộn -
giữa những năm 176 - 164 trước C.N -, cụ thể là Sách Daniel
. Đó là câu
chuyện nổi tiếng về Suzanne và hai ông già. Hai người này, những vị quan tòa
được ông chủ nhà kính trọng, say mê sắc đẹp vợ ông ta. Một buổi chiều, hai vị
nấp vào trong vườn để nhìn trộm nàng đang tắm. Nàng không đoái hoài đến họ,
và để trả thù, họ tuyên bố đã bắt gặp nàng ăn nằm với một chàng trai. Người ta
tin lời họ và Suzanne bị xử tử. Nhưng Daniel, còn rất trẻ, đã cứu nàng sau khi
hỏi riêng rẽ hai vị quan tòa và nghe họ nói trái ngược nhau. Cả hai bị tử hình
.
Phải chăng vào thời kỳ ấy, người ta căm hờn những ông già trong đó một số lạm
dụng của cải, chức vụ và lòng tôn kính của người ta đối với họ?
Cuốn Ecclésiaste - tác phẩm bí ẩn, niên điểm không rõ ràng và chắc chắn là
hỗn hợp - mâu thuẫn với phần còn lại của tư tưởng Do Thái. Chúng ta bắt gặp ở
đây một ví dụ nổi bật về sự đối lập tôi đã nêu lên giữa thái độ chính thức của xã
hội đối với tuổi già và những sự phản ứng bột phát mà thái độ ấy gây cho các
nhà thơ. Trong những tai họa của con người, cuốn Ecclésiaste cho là có tuổi già
và miêu tả cảnh già lão với một vẻ tàn bạo chua cay, nếu đọc sách theo lối lý giải
của Maurice Jastrow, một nhà chú giải Kinh thánh:
“Hãy nghĩ tới đấng Tạo hóa của ngươi trong những ngày tuổi còn xanh, trước
khi những ngày bất hạnh ập tới và năm tháng dịch lại gần khi ngươi nói: ta
không một chút vui sướng. Trước khi mặt trời và ánh sáng, trăng và sao tối đi,
trước khi mây trở lại sau cơn mưa (thị lực giảm sút, trí tuệ hao mòn); khi những
người giữ nhà (hai cánh tay) run rẩy, những người đàn ông mạnh khỏe (hai cẳng
chân) còng xuống, những người đàn bà xay lúa (hàm răng) ngừng lại vì sút kém,
những kẻ nhìn qua cửa sổ (đôi mắt) mờ đi, khi hai cánh cửa khép lại trên đường
phố (rối loạn tiêu hóa và tiểu tiện), khi tiếng cối xay giảm dần (điếc), khi người
ta thức dậy lúc có tiếng chim hót (khó ngủ, thức giấc sớm), khi mọi cô gái hát ca
suy yếu (rối loạn tiếng nói), khi người ta sợ những cái trên cao (thở dốc khi leo
trèo), khi cây hạnh đào nở hoa (tóc bạc), khi châu chấu trở nên nặng nề (giảm
sút tình dục)... trước khi sợi dây bạc bị đứt (cột sống bị vẹo), chiếc bình vàng bị
vỡ (thiểu năng của gan và thận)...”
Chúng ta không biết thật rõ hoàn cảnh người già ở các dân tộc khác thời Cổ
đại. Tuy quan hệ giữa tập tục và những câu chuyện hoang đường rất không chắc
chắn, chúng ta vẫn phải tra cứu huyền thoại, trong hoàn cảnh thiếu thốn tư liệu
như hiện nay: phần lớn huyền thoại nói về tuổi già dưới góc độ những cuộc xung