phương Tây, văn bản đầu tiên về tuổi già biến lớp tuổi này thành một bức tranh
ảm đạm; người ta bắt gặp văn bản ấy ở Ai Cập; Ptah-hotep, nhà triết học và nhà
thơ, viết nó vào năm 2500 trước Công nguyên:
“Những ngày cuối đời người già vất vả biết chừng nào! Họ yếu đi từng ngày;
mắt kém, tai điếc; sức lực suy sụt; trái tim không còn biết nghỉ ngơi; miệng lặng
im, không còn nói năng gì nữa. Năng lực trí tuệ giảm sút và người già hôm nay
không thể nhớ hôm qua có cái gì. Xương cốt đau nhức. Những công việc trước
kia người ta hoàn thành một cách vui vẻ thì nay chỉ có thể làm một cách khó
nhọc và ý thức về thị hiếu không còn nữa. Tuổi già là tai họa tồi tệ nhất có thể
giáng xuống một con người. Mũi thì tịt cứng và người ta không còn ngửi được
gì nữa hết”.
Bản liệt kê đáng buồn này về khuyết tật của tuổi già, chúng ta sẽ bắt gặp nó từ
lứa tuổi này đến lứa tuổi khác, và cần nhấn mạnh tính thường trực của chủ đề
này. Tuy ý nghĩa và giá trị dành cho tuổi già thay đổi tùy theo xã hội, nhưng
không phải vì vậy mà nó không phải là một sự kiện xuyên suốt lịch sử, gây nên
một số phản ứng giống nhau. Về mặt cơ thể, rõ ràng nó là một hiện tượng suy
tàn, và với tư cách ấy, phần lớn người ta sợ nó. Người Ai Cập đã từng nuôi hy
vọng chiến thắng nó. Trên một trang sách giấy cói, có viết: “Mở đầu sách là
cách biến đổi một ông già thành thanh niên”. Sách khuyên ăn những tuyến tươi
của những con vật non. Giấc mơ hồi xuân ấy, chúng ta cũng sẽ bắt gặp cho đến
tận ngày nay.
Dân tộc Do Thái nổi tiếng về tinh thần tôn trọng tuổi già. Phần nào là huyền
thoại, phần nào là hiện thực trong những câu chuyện được sưu tập trong Kinh
thánh từ thế kỷ IX? Khó có thể xác định được. Những chuyện ấy bắt nguồn cả từ
những truyền thuyết khẩu ngữ ngày xưa lẫn tình hình hiện tại. Vào thời kỳ ấy,
người Do Thái sống ở Palestine; những người du canh đã trở thành nông dân;
nền văn minh bộ lạc, gia tộc, gia trưởng ngày trước đã biến đổi. Đã có các tầng
lớp xã hội: những người giàu có cũng đồng thời là quan tòa, những người nắm
quyền hành chính, những thương nhân, cho vay nợ lãi. Các tác giả thánh kinh
luyến tiếc quá khứ và tìm thấy trong đó những giá trị họ mong muốn được người
đương thời thừa nhận. Tuy người ta tìm thấy ở họ tiếng vang của một mối liên
hệ dòng dõi mẫu hệ rất lâu đời, nhưng họ vẫn miêu tả một xã hội phụ quyền
trong đó những vị tổ tiên vĩ đại mà họ cho là có tuổi tác một cách phi thường, là
những người được thiên sủng và là người phát ngôn của Thượng đế. Họ cho tuổi
thọ là phần thưởng tối cao về đức độ. “Nếu ngươi tuân theo những lời ta dạy -