TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 83

có một phép màu của Zeus mới vĩnh viễn cứu thoát họ khỏi cái chết. Huyền
thoại về Tirésias nói lên một mối quan hệ - mà chúng ta sẽ thường bắt gặp - giữa
tuổi tác, mù lòa và ánh sáng nội tâm. Bị cơn giận dữ làm cho mù mắt, Tirésias
được Zeus bù lại cho phép tiên tri; thần giải đáp mọi câu hỏi bằng những câu trả
lời không hề sai lầm. Người Hy Lạp cũng hình dung ông già Homère mù lòa
như vậy: nhà thơ cũng như nhà tiên tri lại càng được thần cảm vì thế giới bên
ngoài ít tồn tại đối với họ. Những giai thoại có ý nghĩa nhất là về Tithon và
Éson. Giai thoại thứ nhất cho thấy đối với người Hy Lạp, già lão là một tai họa
còn tồi tệ hơn cả cái chết. Khi đòi hỏi được cái bất tử cho chồng, Aurore quên
không yêu cầu cái bất tử phải kèm theo một sức thanh xuân vĩnh viễn; nàng ra
sức nuôi chồng bằng cao lương mỹ vị, chàng vẫn không thoát khỏi cảnh già lão;
cô đơn, khổ sở, chàng co quắp lại và khô héo đi tới mức các vị thần khoan dung
biến thành ve sầu. Chuyện Éson, trẻ lại trước ngưỡng cửa cái chết do phù phép
của con dâu là Médée, thế hiện giấc mơ cố hữu về sức thanh xuân vĩnh hằng. Nó
đối xứng với câu chuyện về Tithon: sự bất tử chẳng là cái gì hết nếu không có
sức thanh xuân; trái lại, kéo dài vĩnh viễn tuổi trẻ là hạnh phúc tuyệt vời của con
người. Người Hy Lạp có nhiều cái giếng đem lại sức thanh xuân, trong đó nổi
tiếng nhất là giếng Carathos, gần Nauplie.

Thực ra, cuộc sống của người già ở Cổ Hy Lạp ra sao? Cho tới những thời kỳ

rất gần đây, và không phải chỉ ở Sparte, người ta trừ khử các trẻ em dị dạng hay
lỗi thời; nhưng không có gì cho phép nghĩ rằng người già bị loại bỏ. Hình như
theo ngữ nghĩa học, ở thời Cổ đại, khái niệm vinh dự gắn liền với khái niệm tuổi
già. Géra, Géron: những từ chỉ tuổi già, đồng thời cũng biểu thị đặc quyền của
tuổi tác, quyền thâm niên, quyền đại biểu. Trong công trình nghiên cứu Kouroi
và Kourètes,
xem xét di tích của nền văn minh cổ Hy Lạp, Jeanmaire cũng đi tới
kết luận tương tự: các thể chế cổ xưa gắn liền khái niệm vinh dự với khái niệm
tuổi già. Ở những thời kỳ sơ khai, thủ lĩnh Đô thị, nhà vua có một hội đồng bô
lão làm phụ tá: nhưng theo Homère, những người này chỉ có vai trò tư vấn. Đôi
khi nhà vua cũng trao cho họ nhiệm vụ xử án: không phải bao giờ họ cũng làm
tốt, và những sai lầm của họ làm nổ ra những tai họa tự nhiên.

Nhưng theo Homère, tuổi già gắn liền với sự khôn ngoan; nó hiện thân ở

Nestor, vị cố vấn tối cao; thời gian mang lại kinh nghiệm, nghệ thuật ngôn ngữ
và uy tín. Nhưng ông có vẻ sút kém về thể chất. Và không phải ông là người
giành thắng lợi cho người Hy Lạp. Chỉ một người trong tuổi cường tráng mới có
thể bày một mưu lược có hiệu quả hơn tất cả các chiến thuật truyền thống.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.