TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 84

Ulysse vượt xa Nestor, và vượt qua cả thân phụ là Laerte, người đã nhường ngôi
báu cho chàng. Cũng giống như vậy, Hector làm lu mờ Priam. Từ đó, có thể suy
luận chừng nào Hy Lạp còn theo chế độ phong kiến thì vai trò của người già
mang tính chất danh nghĩa hơn thực tiễn. Phải có thể lực cường tráng của Ulysse
mới đánh đuổi nổi những kẻ ngấp nghé ngôi vua mà Laerte buộc phải chịu đựng
vì hèn yếu. Chúng ta sẽ thấy tình hình ấy khi nghiên cứu thời Trung đại: khi
quyền sở hữu không được bảo đảm bằng những thể chế vững chắc, mà được
giành giật và bảo vệ bằng sức mạnh vũ khí, thì người già bị dồn vào bóng tối;
chế độ dựa vào lớp trẻ, chính họ nắm thực quyền. Mặt khác, Homère chế giễu
các vị trưởng lão dân chủ (démogéronte) ở Troie. Ông nói tới cái “ngưỡng cửa
đáng nguyền rủa của tuổi già”. Trong một bài tụng ca mà người ta cho là của
ông, Aphrodite nói: “Thần thánh cũng ghét tuổi già”.

Ở thế kỷ VII, công cuộc khai thác một thế giới mới dẫn tới một cuộc cách

mạng kinh tế. Sở hữu bất động sản không còn là nguồn của cải duy nhất mà cả
công nghiệp, thương mại, tiền tệ nữa. Giai cấp quý tộc thay đổi tính chất. Tầng
lớp dưới nó, tầng lớp những người sáng tạo - thợ thủ công, người lao động độc
lập - trở nên giàu có. Nhà nước bị chế độ đầu sỏ tài chính (ploutocratie) thống
trị. Vương quyền bị thủ tiêu hay chỉ còn giữ tính cách danh nghĩa. Đất nước nhỏ
bé và ít dân: từ 5.000 đến 10.000 công dân - và có thêm nô lệ, kiều dân thành
Aten (méteque) không có quyền chính trị. Hiến pháp mang nhiều hình thức khác
nhau, và khi người giàu giàu thêm, người nghèo nghèo thêm, và đấu tranh giai
cấp quyết liệt thì hiến pháp thay đổi. Dù là một chế độ chính trị đầu sỏ
(oligarchie), một nền độc tài hay một nền dân chủ, bao giờ đứng đầu Nhà nước
cũng có một Hội đồng. Điều rất có ý nghĩa là trong các chế độ chính trị đầu sỏ -
tất yếu là chuyên chế và bảo thủ vì một thiểu số người giàu muốn nắm quyền -
bao giờ các Hội đồng cũng là Hội đồng nguyên lão (Gerousia). Người ta tham
gia Hội đồng này muộn và ở lại cho tới khi chết. Tình hình là như vậy ở Éphèse,
Crotone, Crète, Cnide và nhiều nơi khác. Ở Elide, có 90 vị nguyên lão; ở
Corinthe 80. Chế độ chính trị đầu sỏ ngăn cản không cho lớp trẻ giữ những chức
vụ quan trọng trong tòa án. Vấn đề được đặt ra là duy trì trật tự đã được thiết
lập: người ta sợ tham vọng của lớp trẻ, đầu óc sáng tạo của họ.

Như vậy, ở nhiều đô thành ngày xưa, tuổi già là một sự đánh giá. Nhưng với

tư cách một nỗi bất hạnh cá nhân, nó không được người ta yêu mến: các nhà thơ
chứng minh điều đó.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.