không thôi mà không quan tâm tới việc làm người ta vui lòng hay không.
Duy chỉ có điều là nhà văn ít lợi dụng sự tự do này vì thường họ không còn
có gì phải nói nữa: người họa sĩ thì bao giờ cũng có cái gì đó để vẽ và có
thể hưởng cái quyền tối thượng ấy mà nếu không có thì họ sẽ không có tài.
Cũng như người nhạc sĩ, nhà họa sĩ mới vào nghề chịu ảnh hưởng sâu sắc
của thời đại: họ trông thấy thế giới qua tranh của những thế hệ đi trước; học
trông nhìn qua chính đôi mắt mình, là cả một công việc lâu dài. Chẳng hạn,
lúc đầu, Bonnard bắt chước Gauguin và dành một vị trí quan trọng cho đề
tài được xử lý. Từ bức Quán cà phê của bé Poucet ông vẽ lúc 61 tuổi, đề
tài có xu hướng mất đi để nhường chỗ cho màu sắc. Lúc 66 tuổi ông viết:
“Tôi những tưởng khi còn trẻ, thì đồ vật, thế giới bên ngoài làm người ta
phấn chấn: lúc ấy, người ta “hăng máu”, về sau, thì nội tâm, nhu cầu thể
hiện cảm xúc thúc đẩy người họa sĩ chọn điểm xuất phát này hay điểm xuất
phát kia, đề tài này hay hình thức nọ”. Tranh của ông là những bức thu
ngắn (raccourci) ngày càng táo bạo, ông không chú ý tới phối cảnh, kiên
quyết xa rời quan điểm ước lệ về sự vật tìm cách thể hiện sức sóng và sức
nóng của chúng. Do vậy, những bức tranh cuối cùng của ông có một sức trẻ
kỳ lạ.
Tuổi già của Goya không phải chỉ là một sự vươn tới một sự hoàn
thiện ngày một trọn vẹn hơn, mà còn là một quá trình đổi mới không
ngừng, ông 66 tuổi năm 1810 khi đứng trước ách chiếm đóng của Pháp và
những hệ quả đẫm máu của nó, ông bắt đầu khắc 85 bức tranh về những tai
họa chiến tranh, ông từng chứng kiến cuộc khởi nghĩa 1808 và hăng hái
quyên góp để trang bị cho quân du kích. Nhưng ông không khước từ việc
vẽ chân dung những quan chức chủ yếu của Pháp; cùng với hai họa sĩ khác,
ông chủ trì công việc lựa chọn những bức tranh có giá trị nhất để gửi sang
Paris. Năm 1814, khi đất nước được giải phóng, ông được Ủy ban thanh
trừng miễn tội một cách chính đáng. Nhưng ông vẽ cho Ferdinand VII một
bức chân dung lớn. Cũng trong năm ấy − lúc 70 tuổi − ông vẽ những bức
tranh bi thảm và tuyệt diệu của mình, bức Cuộc Xung kích của các tân binh
và bức Những loạt đạn. Ông cũng vẽ Người Khổng lồ và một bức tự họa rất