vật, những người hành khất, các cửa hiệu, đám đông. Bé gái Rosario, lúc
này lên 10, và được ông rất yêu thương, muốn vẽ những bức tiểu họa; thế
là, mặc dù mắt kém, ông cùng vẽ với bé. 81 tuổi, một năm trước khi qua
đời, ông vẽ một chân dung nữ tu sĩ và một chân dung nam tu sĩ mà bố cục
khiến người ta liên tưởng tới Cézanne.
Những năm cuối đời, ông thường vẽ theo đề tài tuổi già. Trong bức
Cho tới khi hết đỏng đảnh, ông trở lại vấn đề vốn được văn học hai thế kỷ
XVI và XVII khai thác rất nhiều: người đàn già bà ngỡ mình còn nhan sắc.
Ông vẽ một bà già khủng khiếp vừa đội mũ vừa thích thú ngắm mình trong
gương. Phía sau bà ta, có những thanh niên cười thầm. Năm 1817, ông lại
lấy chủ đề ấy trong tranh Các Bà già: hai người đàn bà xấu xí ngắm vuốt
trong gương; phía sau họ, là thần Thời gian với hai cái cánh to tướng, tay
cầm một cây chổi. Bức Nữ tu sĩ dòng Célestine, thể hiện rất rõ rệt sự gắn bó
của ông với truyền thống văn học Tây Ban Nha: một thiếu nữ để rất hở vai
và với gương mặt nhục cảm đứng trên bancông; phía sau ẩn hiện nhân vật
vú già − mối lái (duègne-entremetteuse) rất quen thuộc: một mụ già khủng
khiếp, mũi khoằm, vẻ đồng lõa và gian trá lần chuỗi tràng hạt giữa những
ngón tay có móng dài và cong vuốt. Goya cũng vẽ trong bức Những ngày
dạ hội, nhiều mụ phù thuỷ. 80 tuổi ông vẽ một ông già, râu tóc bạc phơ, tựa
trên hai chiếc gậy lời thuyết minh là “Tôi học mãi”. Goya tự giễu mình và
chế giễu lòng khao khát cái mới của ông.
Baudelaire kinh ngạc trước vẻ trẻ trung của tuổi già Goya. Ông viết:
“Vào thời kỳ cuối sự nghiệp, đôi mắt Goya yếu đi tới mức − theo lời người
ta nói − người ta phải gọt bút chì cho ông. Thế nhưng vào cùng thời kỳ ấy,
ông làm những bản litô lớn rất quan trọng, những tấm rất đẹp, những bức
tiểu họa rộng lớn − một bằng chứng mới thể hiện cái quy luật đặc biệt chỉ
đạo số mệnh những nghệ sĩ vĩ đại và khiến cho trong lúc cuộc sống tự điều
khiển mình ngược chiều với trí tuệ, những gì họ mất đi ở phía này thì họ
được ở phía kia, và do vậy, họ ngày càng trở nên tươi trẻ và táo bạo cho tới
tận bên mồ, với một sức thanh xuân ngày một thêm vững chãi”.