Về những điều vừa nói tới trên đây về tuổi già nói chung, chúng ta có
những ví dụ cụ thể đối với các nhà trí thức và các nghệ sĩ: họ có ý thức về
cái ngắn ngủi của tương lai mình và tính đặc biệt không thể vượt qua của
Lịch sử họ bị nhốt chặt trong đó. Hai yếu tố giao thoa với nhau để xác định
hoàn cảnh của họ: biên độ của dự định khởi nguyên của họ và sức nặng kìm
hãm nhiều hay ít của quá khứ. Chúng ta đã thấy là đối với các nhà khoa
học, tuổi già kéo theo hầu như tất yếu hiện tượng xơ cứng và sự nghèo nàn
trong sáng tạo. Trái lại, các nghệ sĩ thường có cảm giác công trình của họ
chưa hoàn thành và họ vẫn còn có thể làm cho nó phong phú thêm; nhưng
có thể lúc ấy, họ thiếu thời gian để hoàn thành, và họ lao lực một cách vô
ích: mặc dù hết sức miệt mài, Michel-Ange vẫn không được mắt thấy mái
vòm ở Saint-Pierre. Thông thường, một thế cân bằng được thiết lập: còn có
những việc phải làm trong lúc chưa mất hết thời gian. Thậm chí còn có thể
có những bước tiến. Nhưng vào thời kỳ này của cuộc đời, chúng làm người
ta thất vọng; người ta tiến lên, đúng thế, nhưng bằng cách giẫm chân tại
chỗ. Trong trường hợp tốt nhất, người già cũng không vượt quá nhiều, cái
điểm mình đã đạt tới. Có những người phải làm những sự “vặn vẹo” vô ích
để thoát ra khỏi “lớp da” của mình: họ chỉ có thể tự biếm họa mình, chứ
không thể tự đổi mới. Thực ra, tác phẩm chỉ có thể trở nên phong phú khi
thống nhất với bản thân nó và với tương lai của nó.
Quan niệm này có thể làm người ta nản lòng nhất là nếu sự sa sút về
sinh lý học, bệnh tật và tình trạng dễ mệt mỏi khiến công việc trở nên vất
vả. Nhưng một số người già say mê một cách dũng cảm để tiếp tục cuộc
đấu tranh. Lòng dũng cảm không phải chỉ ở trong mối quan hệ của người ta
với một cơ thể bất kham − như ở Renoir, Papini, Michel-Ange, mà còn là
tìm thấy niềm vui ở những bước tiến mà chẳng bao lâu nữa, cái chết sẽ làm
gián đoạn, ở chỗ tiếp tục, muốn vượt qua bản thân mình trong lúc biết và
chấp nhận cuộc sống hữu hạn của mình, ở đây, sự khẳng định bền vững giá
trị của nghệ thuật, của tư tưởng kích thích sự ngợi khen. Nhất là khi thái độ
phủ nhận của các thế hệ mới đụng tới không chỉ nhà khoa học không thôi
mà cả người nghệ sĩ, người văn sĩ. Bonnard đau khổ vì sự “nghiệt ngã” của