tuổi thanh xuân: nó xa lìa sự nghiệp của ông trong lúc vẫn làm phong phú
thêm sự nghiệp ấy.
Điều khó khăn nhất, vào cuối một cuộc đời sáng tạo, là nội hiện mối
ngờ vực ấy. Có những người trẻ có thể đầy sự phủ nhận ấy tới mức tuyệt
vọng, tới mức tự sát: Van Gogh, Nocolas de Stael. Nói chung, một người
trẻ tuổi, dù bất mãn với bản thân mình, vẫn đặt hy vọng vào tương lai mở ra
phía trước. Còn đối với người già, thì mọi việc đâu đã vào đây. Nếu phát
hiện trong công trình của mình có những chỗ yếu kém, họ xót xa biết mình
không thể sửa đổi nó một cách căn bản. Thỉnh thoảng Monet triệt để ngờ
vực giá trị các bức tranh của mình và lấy làm đau lòng. Dù có hài lòng với
công việc của mình, người già vẫn cảm thấy nó có thể gặp bước hiểm
nghèo trong phán xét của người khác, và đặc biệt là trong phán xét của hậu
thế.
Hậu thế có thể xuất hiện như một sự cầu viện chống cái chết: một lời
hứa hẹn sống còn. Sự nghiệp sẽ sống với các thế hệ tương lai, có thể có cơ
may tồn tại vĩnh viễn với các thế hệ ấy. Vào thời đại Ronsard, Corneille,
quan niệm này có tác dụng an ủi; họ nghĩ chế độ quân chủ sẽ trường tồn,
nền văn minh cũng như con người không thay đổi: niềm vinh quang của họ
do họ vun đắp như thế nào thì vang dội như thế ấy từ thế kỷ này sang thế
kỷ khác. Ngày nay, chúng ta không còn những ảo ảnh như thế nữa. Chúng
ta biết xã hội hiện nay đang chuyển biến mạnh mẽ: nó sẽ đi tới hình thái
nào: chủ nghĩa xã hội, chế độ kỹ trị (techocratie) hay chế độ man rợ?
Chúng ta không rõ. Nhưng chắc chắn là những người trong tương lai sẽ
khác chúng ta. (Vì vậy, trong cuốn Những người bị giam ở Antôna, Franz
hình dung họ dưới dạng những con cua). Nếu giả định thông điệp của
chúng ta đến được với họ, chúng ta cũng không thể dự kiến họ giải mã nó
qua những ô chữ nào. Dẫu sao, một bức tranh, một cuốn tiểu thuyết cũng
không thể cùng có một ý nghĩa giống nhau đối với những người đương thời
và đối với những thế kỷ sau: đọc, nhìn trong hiện tại hay qua bề dày của
quá khứ, là chuyện hoàn toàn khác nhau.