Dự kiến của chúng ta có thể nhằm những mục đích nằm phía bên kia
cái chết của mình; chúng ta biết phần lớn người ta hết sức coi trọng những
điều khoản di chúc và việc thực hiện những nguyện vọng cuối cùng của họ.
Trong các xã hội cổ xưa, khi lịch sử tiến triển chậm chạp, người ta không
chỉ sắp đặt tương lai riêng của mình, mà còn cả tương lai của thế giới và hy
vọng sản phẩm lao động của mình vẫn tồn tại. Lúc đó, một ông già tám
mươi thích thú xây dựng, và thậm chí trồng trọt. Khi phần lớn các hoạt
động, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, tài chính, mang tính chất
gia đình và nằm trong một xã hội ổn định về kinh tế, thì ông bố có thể hy
vọng các con trai sẽ tiếp tục nhiệm vụ của ông và đến lượt họ, họ lại giao
phó nhiệm vụ ấy cho con cái họ. Và như vậy, người ấy tránh không “đụng
tới cái cột mốc”: lãnh địa, hãng buôn trong đó người ấy từng biến mình
thành khách thể, sẽ vĩnh viễn tồn tại. Người ấy sẽ trường tồn, không uổng
công vô ích.
Ngày nay, người già không còn có thể hy vọng vào thứ thời gian vĩnh
hằng ấy nữa; động tác của Lịch sử đã được đẩy nhanh lên. Ngày mai, Lịch
sử sẽ phá hủy những gì người ta xây dựng nên ngày hôm qua. Những gốc
cây người già trồng sẽ bị đốn. Hầu như khắp nơi, tế bào gia đình đã nổ
tung. Những xí nghiệp nhỏ bị độc quyền nuốt gọn, hoặc bị tan rã. Người
con trai không làm lại giống như ông bố, và bố sẽ theo con. Bố mất đi,
ruộng đồng sẽ bị bỏ hoang phế, tài sản thương mại sẽ bị bán đi, công việc
kinh doanh sẽ được thanh toán. Những công việc họ đã hoàn thành và vốn
là ý nghĩa cuộc đời họ, cũng bị uy hiếp như chính bản thân họ. Nếu thương
yêu con cái một cách bao dung, nếu tán thành con đường đi của chúng, thì
họ có thể suy nghĩ một cách mãn nguyện là sự nghiệp của mình được
chúng nối tiếp. Nhưng trường hợp này là hiếm hoi do cái hố thường ngăn
cách các thế hệ. Thông thường, ông bố không nhận ra mình ở người con.
Cõi hư vô xâm chiếm ông hoàn toàn.
Không hề cung cấp cho người già một phương sách chống đỡ số phận
sinh học của họ bằng cách bảo đảm cho họ một tương lai sau khi qua đời,
xã hội ngày nay “quẳng” họ, lúc sinh thời, vào một quá khứ đã từng vượt