vượt qua. Cá nhân không thể chạy theo cuộc chạy đua trong đó dự kiến hồi
sinh lại một cách vô tận trong vẻ tươi mát của nó. Cá nhân tụt lại phía sau.
Trong lòng sự đổi thay, người đó vẫn y nguyên và bắt buộc phải tự hủy
hoại.
Trong lĩnh vực nhận thức, cá nhân tất yếu bị tụt hậu. Tôi thấy rõ điều
ấy trong chính trường hợp của mình: tôi học tập được nhiều từ tuổi 20,
nhưng mỗi năm, tôi càng trở nên dốt nát thêm một cách tương đối vì phát
minh ngày càng nhiều, khoa học ngày càng phong phú, và mặc dù tôi cố
gắng để cập nhật, chí ít cũng trong một vài lĩnh vực, số lượng sự vật xa lạ
đối với mình vẫn ngày một thêm nhiều.
Muốn hiểu được chính xác hơn quá trình bị loại thải này, thì cần loại
bỏ những cái khái quát và xem xét những hoạt động khác nhau trong tính
đặc thù của chúng. Nhưng trước hết, chúng ta cần chú ý là người già bị tụt
hậu trong lúc muốn can thiệp vào quá trình chuyển biến của xã hội: với tư
cách người tiêu thụ, họ lợi dụng tiến bộ kỹ thuật mà không khó chịu vì nó;
thậm chí hăm hở đón nhận nó. Về nguyên tắc, Tolstoï ghét cái mới; nhưng
máy hát và điện ảnh làm ông say mê; ông nghĩ tới chuyện viết kịch bản.
Ông chứng kiến những cuộc đua ôtô và mong ước trông thấy máy bay. Ở
tuổi 65, Andersen hoan hỉ về tốc độ giao thông: người ta vượt qua Thụy
Điển trong hai mươi bốn tiếng, còn ngày trước thì phải mất một tuần lễ:
“Chúng ta, người già, chúng ta phải chịu những điều bất tiện tự nhiên ở một
thời kỳ quá độ giữa hai thế hệ; nhưng như thế rất thú vị”. 70 tuổi, Wells say
mê mọi phát mình hiện đại, và đặc biệt là điện ảnh. Trong xã Plodemet
được Morin nghiên cứu, có những người già tàn tật, ốm đau, suy sút, bị bỏ
rơi, cho rằng cùng lắm, họ chỉ có thể trông coi nhà như một con chó. Một
số người khác, tuy mạnh khỏe, khép kín mình trong quá khứ: họ không biết
đọc, biết viết, khước từ máy nước sạch, gaz, điện. Một người trong số họ
bảo: Để làm gì? Những cái đó không hợp với tuổi chúng tôi”. Nhưng phần
lớn bị choáng ngợp trước thế giới hiện đại: Một ông phó mộc già bảo:
“Chúng ta sẽ trông thấy hết tất cả, từ chiếc xe đạp tới vệ tinh”. Họ nhớ lại
sự kinh ngạc của mình trước những chiếc xe hơi đầu tiên, những chiếc máy