Chính chủ yếu buổi thơ ấu trở lại ám ảnh người già: từ thời Freud,
chúng ta biết tầm quan trọng − mà Montaigne linh cảm − của những năm
đầu tiên khi hình thành cá nhân và vũ trụ của người đó. Những cảm giác
nhận được lúc ấy có một sức mạnh khiến chúng không thể phai mờ. Người
trưởng thành không có thì giờ rỗi rãi để gợi lên những cảm giác ấy vì bận
tìm kiếm một thế cân bằng thực tiễn; chúng tái xuất hiện khi hiện tượng
căng thẳng này chùng lại. Nodier viết: Niềm ưu ái êm đềm nhất tạo hóa
dành con người trên con đường già lão, là khả năng nắm bắt trở lại hết sức
dễ dàng những ấn tượng thời thơ ấu”. Ở tuổi 78, Tolstoï viết, ngày 10 tháng
ba 1906, trong Nhật ký: “Suốt ngày, là một cảm giác ngu ngốc và buồn bã.
Tối đến, trạng thái tâm hồn ấy biến đổi thành ham muốn được mơn trớn,
được yêu thương. Tôi những muốn, cũng như lúc ở tuổi ấu thơ, được áp sát
vào một người yêu thương và đồng cảm, nhỏ lệ vì sự êm đềm và được an
ủi... Trở nên nhỏ xíu và dịch sát lại mẹ mình, như mình tưởng tượng... Mẹ
ơi, mẹ hãy bế con, mơn trớn con... Tất cả những cái đó là điên cuồng nhưng
tất cả những cái đó là thật”. Ông hình dung mẹ ông, qua đời lúc ông lên
hai; nhưng bước đầu phút mộng tưởng này dựa trên cơ sở những kỷ niệm.
Loisy dành cả cuộc đời để phê phán Kinh thánh, ông bị rút phép thông
công vì những lý thuyết hiện đại chủ nghĩa và mất niềm tin. 83 tuổi, một
tuần lễ trước khi mất, bị những nỗi đau đớn dữ dội giày vò và đầu óc rối
loạn, ông bắt đầu hát những bài thánh ca và những đoạn trong kinh Misa
như ở thời kỳ ông còn là một học sinh chủng viện. Ông ví mình như Job mà
ông kể lại lịch sử
Trẻ em cho cuộc sống là một sự luyện tập gian khổ; nó phải chịu
những mặc cảm bắt buộc phải vượt qua; có những cảm giác phạm tội, sỉ
nhục, lo âu. Những kỷ niệm xấu bị dồn nén lại trong tuổi trưởng thành
được đánh thức dậy ở người già. Chừng nào người ta có những hoạt động
và chịu một sức ép của xã hội thì những thứ hàng rào người ta đã dựng lên
được khi còn hoạt động và chịu sức ép của xã hội, đều sụp đổ trong cảnh
nhàn rỗi và nỗi cô đơn của tuổi già. Chắc hẳn vết thương tinh thần do lòng
quá tự yêu mình, xảy tới với tuổi tác làm suy yếu khả năng tự vệ của người