Nùng Cháo, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng Ang... người Nùng ta đã bao
đời lang thang xuống phía nam, đến cùng người Tày làm ăn trong một cánh
đồng, một cái nương, một con suối. Nhưng nào có tìm ra chỗ ở đâu được.
Lại đói, lại giặc, lại đi, chẳng đi chỗ nào đến chỗ thoát cái khó nhọc. Mã
Hợp có thấy người nghèo bỏ đi chỗ nào cho được yên?
Mã Hợp đáp thật thà:
– Phải bỏ bên Ma Mèo sang đây mới yên đấy.
– Không yên đâu.
– Thì đi cách mệnh.
Thụ nói:
– Mã Hợp nói phải lắm. Có đi cách mệnh, mai sau mới yên vui được.
Những dây phong lan hoa vàng thõng xuống treo mùi thơm lửng lơ trước
cửa hang. Chấm cứt tắc kè đã khô trắng bệch như ai quệt vệt vôi vào chỏm
đá. Mã Hợp lúi húi, lại móc được một con tắc kè. Ngón tay trỏ của Mã Hợp
bị tắc kè cắn đã thành chai dày cộp. Ngón tay thò vào hang, từ từ rút ra, chú
tắc kè còn đương cắn, chưa kịp nhả, đã bị ghì cổ, cong cả bốn chân lên.
Thụ trông ra xa, hỏ
– Phía nào thấy Đồng Đăng?
Mã Hợp xâu chân con tắc kè vào sợi dây thép rồi ngẩng lên, trỏ tay:
– Phía này.
Hai người men sang vách núi trước mặt, đứng tựa vào tảng đá nhìn
xuống phía nam. Đằng ấy, trời xanh trong veo, hé một mảng nắng trên
những cánh rừng hồi Văn Uyên đằng chân trời, tưởng như đứng tận đây
cũng thoáng ngửi mùi thơm cây hồi chín.
Mã Hợp trỏ tay:
– Anh có trông thấy đường cái quan Đồng Đăng đi lên Nà Sầm kia
không? Cả đường xe lửa bên cạnh nữa. Như cái thang ngoằn ngoèo trắng
đấy. Chỗ ngắt quãng bên này là đường hầm tàu hoả cầu Tà Lài phu dưới
xuôi lên phá núi làm đường hầm chỗ ấy chết nhiều lắm.