Hôm sau, Thụ và Mã Hợp đi sớm.
Những cái hang trong các ngọn núi đá rỗng ở Lạng Sơn có một cuộc
sống nghìn năm, đã nhà khảo cổ nào hiểu hết chưa, không biết, nhưng
người ta chỉ biết những toà nhà của con người thời tiền sử, đến bây giờ vẫn
là nơi cho ngừời ta chạy cướp, nơi giấu của, nơi âm thầm và trung thực giữ
những của cải còn lại, che chở cho lòng mong muốn và chí khí, tinh thần
không chịu khuất phục của con người sống vất vả chống thằng Tây, thằng
kẻ cướp và các quan quân trên biên giới.
Người bắt tắc kè hay trèo lên hòn đá tảng cao để tìm ra hang mới. Lên
chỗ thật hóc hiểm, tưởng chưa ai vào bao giờ, nhưng đến khi đốt đuốc dọc
các khe, thấy cái cối đá, cái chày gỗ đã mủn và đá xếp bậc thành giường
cẩn thận. Có khi còn xương người -người lớn, trẻ con, xương dài ngắn
chồng đống. Trông vẫn nguyên, nhưng động đến thì nát rơi ra như bụi. Đấy
là hang mà người cả làng chạy vào rồi bị cướp lấp cửa. Đấy là ngày xưa,
quan quân đánh nhau, đám thua chạy vào hang, bị chẹn cửa. Hay đấy là
những thù làng truyền kiếp, làng được khuân đá lấp cửa hang cho làng thua
chết hết. Và những vách đá ẩm ướt kia đã chứng kiến đời này qua đời khác
bao nhiêu mưu chước dựng cờ khởi binh, nhưng rồi việc lớn không thành.
Người tráng sĩ ở mãi trong hang, chết lặng lẽ.
Trông ngược lên ngọn núi lớn, chỉ thấy cây si, cây duối cằn cỗi mọc từ
trong đá, cũng xám màu đá, giữa lưng đá toác một cái miệng lớn, chếch
thoai thoải xuống nhưng đứng dưới không trông thấy.
Ở cửa hang nhìn ra người dưới núi trèo lên, nom rõ người đi lom khom
từ lúc mới bắt đầu vào chân núi.
Núi đùn lớp lớp như tường thành giăng ngang trời.
Thụ hào hứng nói:
– Mã Hợp à, đứng đây ta mới hiểu chí lớn của cha ông mình. Lịch sử
Việt Nam ta từ khi dựng nước, đời nào cũng coi Lạng Sơn vừa là nơi thủ
hiểm lại là cửa ngõ đi ra với thiên hạ... Quỷ môn quan, đi không bao giờ
về... đất Chi Lăng trùng điệp kia đã thành tên trong lịch sử từ khi nước ta