cõng Sảo Kinh vào nhà. Phong lật đật đi nấu cháo. Mã Hợp đã thức, xốc
Sảo Kinh lên đầu hè, lấy hai tay day mạnh thái dương rồi đổ nước nóng,
Sảo Kinh dần dần tỉnh, Sảo Kinh nói:
– Hùng đến được Cẩm Phả rồi. Nó bảo tôi về trước.
Mã Hợp hỏi:
– Làm sao đến nỗi thế này?
– Thằng đồn Đình Lập bắt
Chuyến ấy, lần đầu tiên, Sảo Kinh đưa cách mệnh ra vùng mỏ.
Trên biên giới phía bắc nước ta, từ tỉnh Lai Châu xa nhất về phía tây
sang vùng Móng Cái giáp biển Đông đều có những đường tắt không qua
tỉnh lỵ nào, xuống đồng bằng nhưng tránh Hà Nội và Hải Phòng mà tạt
chéo sang đông nam, đổ vào một dãy các thị trấn ven biển: Cẩm Phả, Mông
Dương, Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối. Đó là con đường thuốc phiện mang lậu
ra biển. Người đi đường đột ngột gặp một thị trấn giữa rừng mà không thể
cắt nghĩa được tại sao nơi hẻo lánh thế mà đông vui. Lai Châu có Tam
Đường, Bình Lư... Lào Kay có Xíu Mần, Cốc Pài... Hà Giang có Mèo Vạc,
Lũng Phìn... Cao Bằng có Khau Vai, Đồng Mu... Đây là những trạm nghỉ
không hẹn mà nên và nơi thuê người tải hàng, cứ dần từng quãng ra biển.
Buổi chiều, những cái thị trấn giữa rừng ấy nhộn nhịp ngựa về buộc quán
chợ và mùi thuốc phiện ở bàn đèn tất cả các nhà sực nức toả khắp xóm.
Các đồn Tây, lính đoan suốt một dọc từ Đình Lập, Tiên Yên, Hà Cối đến
Mũi Ngọc đều đã biết tài đem hàng lậu của Sảo Kinh. Dù Cao Bằng, Lạng
Sơn hoặc có khi từ Mèo Vạc, Đồng Văn bên Hà Giang xuống, Sảo Kinh
toàn len lỏi đầu rừng ven núi, không hề biết mặt đường cái, thế mà cuối
cùng, cũng ra được bể. Lần nào cũng vậy, dù đã được báo trước Tây đoan
công phu lắm mới vây bắt được. Nhưng đến lúc bắt được thì hàng đã giao
xong xuôi ra bể, Sảo Kinh đã phủi hai bàn tay không, chẳng ai làm gì nổi.
Chuyến này Sảo Kinh ra đông bắc. Tây cũng biết mà không lần được vết.
Cuối cùng, Hùng đã tới Cẩm Phả liên lạc được với người của Phong và bắt
tay ngay vào công tác phong trào mỏ.