– Ừ nhỉ, chúng tôi đến nên bẫy hổ mừng anh đây. Hổ ra ăn ban ngày đấy,
ghê không. Vùng này loạn rừng hay sao, hổ về nhiều lắm. Anh Vân à,
tháng tám năm ngoái họp chi bộ đầu tiên, chúng mình bẫy được con hổ,
năm nay anh Vân về, lại được con hổ nữa.
Thụ cười:
– Đánh hổ cũng là tập đánh thằng Tây đấy.
Khai Lạc nhanh nhẹn, hấp tấp:
– Anh Vân à, đúng đấy, chúng mình đánh con hổ này cũng giống đánh
thằng Tây. Dạo đầu năm, Thông bàn cách nào nghĩ ra kế gây quỹ cho
Đảng. Nung vôi, đóng gạch, kiếm củi, làm các thứ ấy cũng được cả, nhưng
sau thấy chỉ có bẫy hổ tiện nhất, bí mật, không mất công mấy mà được thì
được to. Cái da, cái xương đều bán ra tiền. Được con hổ này là con thứ ba.
Thế là đánh hổ cũng bằng đánh Tây rồi. Chỉ khác cái thằng Tây chết thì xác
nó thối ra, chẳng được xu chó nào.
Thụ cười khà khà thật to:
– Thế là chúng mình bắt con hổ phục vụ cách mệnh. Các đồng chí ạ,
trong cả nước chỉ có chi bộ Đảng ta ở Bắc Sơn là có cái quỹ dữ dội nhất
đấy.
Mọi người vào trong xóm. Thụ cùng đi với cả chi bộ đương khiêng một
con hổ. Mà Khai Lạc nói cũng đúng. Bắt được con hổ ác không phải dễ.
Công phu bẫy lại phải bắn cho nó chết.
Cũng khó như tổ chức tranh đấu đánh đổ thằng Tây. Bắn được nó chết
rồi mới khiêng nổi nó đi thế kia.
Đánh hổ cũng giống đánh thằng Tây, câu ví hình ảnh mộc mạc của Khai
Lạc mà thật sâu sắc. Đi đường cùng chi bộ khiêng con hổ về xóm Bò Tát,
Thụ bột nhiên cảm thấy như đang đi trên con đường cách mệnh giữa tình
đồng chí chiến đấu, đương dâng lên trong mọi người và tràn khắp xóm Bò
Tát, lan làng Vũ Lăng, cả châu Bắc Sơn, suốt tối những xóm bãi nghèo trên
bờ sông Hồng ở Hà Nội rồi đi cả nước.
Hôm sau, Thông và các đồng chí tìm quần áo khác thay cho Thụ.