Hai người lục trong túi áo tây vàng, mỗi người có một cái kìm đầu nhọn
bẻ dây thép, cái búa nhỏ, lại cả chiếc ê-ke... Bùi bật cười, cũng cảm thấy sự
thật thà của họ. Nhưng Bùi vẫn nói lửng:
– Để thong thả tôi hỏi thăm xem!
Lúc ấy đã chạng vạng tối. Bấy giờ Thụ và Chi mới tìm được đến nhà Bùi
ở. Tuy chưa gặp, nhưng đã nghe Mai nói về hai thanh niên áo dài, chít
khăn, giày tây như đi chợ Tết ở Kỳ Lừa sang. Bùi hấp tấp bảo ngay Thụ và
Chi:
– Tôi đã bảo các anh cứ về mà.
Rồi, không biết làm thế nào, đành mặc hai bọn bốn người không quen
biết nhau cứ ngơ ngác đứng lại đây, Bùi và Quang đến nhà Thỉnh Chân.
Xuân từ Hà Nội lên đã đợi họ ở nhà Thỉnh Chân được hơn một chợ.
Thỉnh Chân vắng nhà. Thỉnh Chân đem lợn sang Bó Cục bán đã ba hôm
chưa về. Nhưng Xuân vẫn ở, đã quen như thế. Thỉnh Chân là người có
bụng tốt. Hồi có cách mệnh Việt Nam về Bản Đảy mở huấn luyện, Thỉnh
Chân đem lợn lên bán. Đến nơi, thấy bảo “lớp này của cách mệnh Việt
Nam học để đánh thằng Tây”, thế là Thỉnh Chân cho cả con lợn, trả tiền
nhất định không cầm.
Từ đấy, biết cách mệnh Việt Nam có ai về qua Bó Sa, ởới hay bên Đồng
Đăng sang, nếu gặp mà biết, thế nào cũng kéo về cho ăn, cho nghỉ lại, như
người nhà. Và mỗi khi về, Bùi vẫn đến đấy.
Bốn người còn đứng trong nhà đầu xóm. Tai Thụ vẫn vẳng câu: “Cứ về
mà...” vừa buồn vừa khó chịu. Thụ trông thấy Sơn và Tư, tuy không quen,
nhưng hầu như có một sự thông cảm nào đó đã khiến những người mới gặp
nhau thấy họ đến đây cùng một việc. Sự vui mừng ấy làm cho Thụ nhãng
dần cái câu Bùi vừa đay đi đay lại: “Cứ về mà...”.
Thụ bảo Sơn, vui vẻ, như quen từ lâu:
– Cứ ở tạm đây nhé. Mai chúng tớ lại gặp.
Rồi bước ra.