II
Anh em nhà họ Mã dưới Lũng Nghìu trước kia ở bên Ma Mèo.
Năm một nghìn chín trăm mười bảy (1917), sau khi Đặng Tử Mẫn thuê
người đánh vào đồn Tà Lùng bên Cao Bằng được ít lâu, việc không thành,
nhưng còn lại câu chuyện đồn thổi, thế là người ta thấy đánh thằng Tây,
thằng quan cũng có thể được và đã có người đánh thật rồi. Một hôm, tri phủ
Cung Khắc Đản ở Thất Khê có việc quan, đi xe ngựa ra Đồng Đăng. Đến
chỗ qua cầu Tà Lài, sang bên bờ suối Lũng Lừ gặp một đám người các làng
Tà Lài, Ma Mèo, Cốc Nam, Khơ Đa vừa đi phu làm đường Bình Nghi về
đến đấy. Đang cáu giận gì không biết, họ xô ra - cứ xẻng cuốc ấy giơ lên,
đánh chết cả quan phủ và con ngựa. Chỉ có người xà ích chạy thoát. Sau
đấy, Tây ở Lạng Sơn đem lính về triệt hạ trụi cả bốn làng. Nhiều nhà trốn,
vượt biên giới. Nhà Mã Thành Nhân phải trôi giạt sang Lũng Nghìu là từ
cái tích ấy.
Đến bây giờ, đã ngoài mười năm.
Xóm Lũng Nghìu chen chúc lẫn với đá. Nhưng người ở núi bảo ở gần đá
như thế đỡ bị gió cuốn đổ nhà và khi có cướp hay có quan quân đến, người
ta dễ gọi nhau trốn lên hang.
Trông xa, chỉ thấy Lũng Nghìu lô nhô đá với đá, lạnh ngắt. Cái nhà
chẳng khác con tắc kè, hệt màu đá, bám vào đá. Đến gần mới nhìn ra cái
mái tranh xám đen ngất nghểu trên mảnh tường trình vàng loang lổ. Suốt
ngày người đi đâu hết, không nhà nào có khói. Chỉ đến chặp tối, trong xóm
mối loé ánh lửa.
Người Lũng Nghìu quanh năm chỉ biết sống bằng của trời đất. Mùa xuân
nghe chim gọi vịt kêu thì sắp sẵn giỏ đợi mưa mới xuống, ra chân núi bắt
ếch chơi xuân đi tìm đôi. Rồi tháng sáu, tháng tám lúc thì móc con tắc kè,
lúc thì đào con tê tê, rồi bắt con thỏ rừng, con trăn gió. Vì miếng ăn nên