khéo, chẳng con vật nào bị người trông thấy mà nó chạy thoát nổi. Mùa
nắng đi cắt tranh. Còn cả năm thì đi hái củi kiếm cái ăn hàng ngày. Bó tranh
và gánh củi, con tắc kè, con thỏ đem xuống bán c Đồng Đăng, chợ Ái
Khẩu. Bán xong lại lặn lội vào khe đá.
Người già hay than thở: ngày xưa, cái gì cũng khác, cũng nhiều, cũng
đẹp hơn bây giờ. Ngày xưa, cả đến con tắc kè cũng còn khờ dại cứ gọi nhau
đến ngay đầu nhà cho mà bắt, không phải leo khó nhọc lên đỉnh núi tìm
hang như bây giờ. Cỏ tranh thì đứng cửa đã ngập mắt, đi một bước cũng
quơ được hàng gánh. Chẳng biết xưa có thế không, nhưng quả là bây giờ
đào nổi con tê tê đem bán được đồng bạc cũng đứt hơi. Một ngày chỉ hái
xong bó củi đã tối rồi. Các cụ nói ngày xửa ngày xưa nào đấy vui hơn, sung
sướng hơn còn đời người ta thì cứ mỗi năm mỗi khổ thêm. Nhưng có lẽ
những người khổ bây giờ, đến ngày sau cũng lại nói rằng trước kia sướng
hơn bây giờ nhiều. Đời người nghèo cứ lần hồi, mòn mỏi và khao khát thế.
Tối mịt, Mã Hợp mới về. Chưa thấy người, đã nghe bó củi buông phịch
đầu nhà, rồi cửa phên mở, có gió lùa vào tiếng thở phì phò.
Mã Hợp thấy bên đống lửa bếp có hai người lạ. Mẹ quay ra, nói:
– Anh em bên Nhân Lý sang chơi.
Rồi mẹ cúi xuống, cời lửa. Mã Hợp đoán mẹ mới nói thế đã lại ứa nước
mắt. Vì Mã Hợp biết khi nhà có khách mà vẫn chỉ trơ chỏng cái nồi cơm
như mọi ngày thì bao giờ mẹ cũng khóc.
Thụ không biết Mã Hợp. Nhưng Mã Hợp nhận ra Thụ. Những năm
trước, có lần Tết được về quê mẹ, Mã Hợp đã gặp Thụ. Mã Hợp nhớ ra Thụ
chỉ vì nhớ cái mũ đẹp năm ấy. Cái mũ lợp vải bóng đỏ tía lót xanh dễ chừng
phải mua tận Hà Nội. Cả đám trẻ chơi ở Đon Đình hôm ấy chỉ mình Thụ
có. Còn Mã Hợp thì từ bé mới trông thấy cái mũ đẹp nên nhớ mãi.
Nhưng không bao giờ Mã Hợp tưởng rằng lại có ngày Thụ đến nhà
mình. Những năm sau này, bố mẹ càng nghèo, càng chui xuống tận cuối
cùng cái nghèo. Rồi Tết tháng bảy, Tết tháng mười, Tết nào cũng không đủ
quần áo, chẳng về chơi được quê ngoại nữa. Rồi chợt có những lúc khách