là động cơ hóa học. Thỏ có thể phóng nước rút rất nhanh, nhưng nó chỉ chạy
được như thế vài phút rồi kiệt sức. Còn rùa chậm hơn nhưng có thể đi suốt nhiều
ngày, nên sẽ chiến thắng cuộc đua đường dài. Động cơ ion có thể hoạt động suốt
nhiều năm liền nên xung lực riêng của nó cao hơn hẳn tên lửa hóa học.
Để tăng sức mạnh động cơ ion, ta có thể ion hóa chất khí bằng vi sóng hay sóng
vô tuyến, rồi dùng từ trường để gia tốc ion. Đây được gọi là động cơ plasma và
những người đề xướng lý thuyết này cho rằng nó có thể cắt ngắn thời gian bay
lên Sao Hỏa từ chín tháng xuống chưa đầy 40 ngày, nhưng hiện tại công nghệ này
vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (Một điểm trừ của động cơ plasma là nó đòi
hỏi lượng điện rất lớn để tạo ra plasma. Các chuyến bay liên hành tinh có thể phải
cần đến cả một nhà máy điện hạt nhân.)
NASA đã nghiên cứu và chế tạo động cơ ion suốt nhiều thập niên. Một ví dụ là
hệ thống DST, theo dự kiến sẽ đưa phi hành gia lên Sao Hỏa vào thập niên 2030,
sử dụng bộ đẩy ion. Cuối thế kỷ 21, động cơ ion nhiều khả năng sẽ giữ vai trụ cột
trong các nhiệm vụ du hành liên hành tinh. Tuy tên lửa hóa học vẫn là lựa chọn
tốt nhất cho những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian gấp rút, nhưng động cơ ion sẽ là
giải pháp tốt và đáng tin cậy khi thời gian không phải yêu cầu quan trọng nhất.
Ngoài động cơ ion trong bảng xung lực riêng ở trên là những hệ thống đẩy mang
nhiều tính phỏng đoán hơn, như sẽ điểm qua dưới đây.
TÀU LIÊN SAO 100 NĂM
Năm 2011, DARPA và NASA tài trợ một hội thảo chuyên đề mang tên Tàu liên
sao 100 năm. Cuộc hội thảo thu hút nhiều sự chú ý, với mục đích không phải để
xây tàu liên sao trong vòng 100 năm, mà nhằm tập hợp các bộ óc khoa học hàng
đầu, soạn nên một lịch trình du hành liên sao khả thi cho thế kỷ 22. Dự án do các
thành viên nhóm Old Guard tổ chức. Đây là một nhóm không chính thức gồm
những nhà vật lý và kỹ sư cao niên, nhiều người đã ngoài 70, muốn dùng trí tuệ
tập thể của họ để đưa con người lên các vì sao. Suốt nhiều thập niên qua, họ vẫn
luôn gìn giữ ngọn lửa say mê ấy.