THỜI HOÀNG KIM MỚI CỦA NGÀNH THÁM HIỂM KHÔNG
GIAN
Những khám phá lý thú về các ngoại hành tinh cùng những ý tưởng mới lạ từ một
thế hệ có tầm nhìn hoàn toàn mới đã nhóm lại mối quan tâm của đại chúng đối
với ngành thám hiểm không gian. Ban đầu, chương trình vũ trụ được thúc đẩy
nhờ hai động cơ là Chiến tranh Lạnh và cuộc ganh đua giữa hai siêu cường Hoa
Kỳ - Liên Xô. Người dân Mỹ không bận lòng chuyện chính phủ dành con số
khổng lồ 5,5% ngân sách quốc gia cho chương trình không gian Apollo, bởi khi
đó uy thế quốc gia đang bị đe dọa. Tuy vậy, cuộc cạnh tranh gây sốt không thể
kéo dài mãi mãi và việc cấp ngân sách sau cùng đã chấm dứt.
45 năm qua
, các phi hành gia Hoa Kỳ chưa hề đặt chân lên Mặt Trăng lần nữa.
Hiện tại, tên lửa Saturn V và tàu con thoi đã bị tháo rời, chỉ còn là những mảnh gỉ
sét trong bảo tàng và ngoài bãi phế thải, câu chuyện của chúng héo hon trong
những cuốn sách lịch sử bụi bặm. Nhiều năm sau đó, NASA bị chỉ trích là một
“cơ quan giẫm chân tại chỗ”. Suốt nhiều thập kỷ, cỗ xe NASA vẫn quay bánh
nhưng chẳng đến được nơi nào mới lạ.
Nhưng tình hình kinh tế đã bắt đầu thay đổi. Chi phí du hành không gian trước
đây rất đắt, có thể ngốn cạn ngân sách một quốc gia, giờ đang giảm dần, phần lớn
nhờ vào nguồn năng lượng, tiền bạc và lòng nhiệt tình của giới doanh nhân đang
lên. Nôn nóng trước tốc độ đôi khi quá chậm của NASA, các tỷ phú như Elon
Musk, Richard Branson và Jeff Bezos đã liên tục mở hầu bao để chế tạo tên lửa
mới. Họ làm điều đó không chỉ vì lợi nhuận, mà còn để thỏa mãn giấc mơ thời
thơ ấu là được bay đến những vì sao.
Chính phủ Hoa Kỳ hiện cũng hào hứng trở lại. Vấn đề không phải nước Mỹ có
gửi phi hành gia lên Hành tinh đỏ hay không, mà là khi nào. Cựu tổng thống
Barack Obama tuyên bố các phi hành gia sẽ đặt chân lên bề mặt Sao Hỏa khoảng
sau năm 2030, còn Tổng thống Donald Trump yêu cầu NASA đẩy thời hạn đó lên
sớm hơn.
Một loạt tên lửa và mô-đun tàu vũ trụ đủ sức thực hiện hành trình liên hành tinh -
như tên lửa đẩy SLS (Space Launch System: Hệ thống Phóng Không gian) cùng