Cuối tiểu thuyết, nhân vật chính gặp Người Tạo Sao Trời, bậc thánh thần đã tạo
lập nên tất cả các vũ trụ, mỗi vũ trụ hoạt động theo những định luật vật lý riêng.
Vũ trụ chúng ta chỉ là một trong số đó. Anh ta bàng hoàng chứng kiến Người Tạo
Sao Trời làm việc, xây dựng những thế giới mới toanh và kỳ thú, loại bỏ những
thế giới không thuận mắt mình.
Cuốn tiểu thuyết tiên phong của Stapledon ra đời như một sự chấn động đối với
thế giới khi đó vẫn còn xem đài radio là phép màu công nghệ. Ở thập niên 1930,
ý tưởng đi đến một nền văn minh ngoài không gian có vẻ thật phi lý. Thời đó,
máy bay cánh quạt là tối tân bậc nhất và hầu như không thể bay cao hơn mây, do
vậy khả năng du hành đến các vì sao gần như là không tưởng.
Star Maker thành công ngay tức khắc. Arthur C. Clarke gọi tiểu thuyết này là một
trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất từng được xuất bản. Nó
đã thổi bùng trí tưởng tượng của cả một thế hệ tiểu thuyết gia viễn tưởng thời hậu
chiến. Nhưng với độc giả đại chúng, cuốn sách đã sớm bị lãng quên trong sự hỗn
loạn và tàn khốc của Thế chiến II.
TÌM KIẾM CÁC HÀNH TINH MỚI TRONG KHÔNG GIAN
Tới nay, tàu vũ trụ Kepler và đội ngũ các nhà thiên văn trên Trái Đất đã phát hiện
khoảng 4.000 hành tinh quay quanh các ngôi sao khác trong Dải Ngân Hà. Người
ta bắt đầu tự hỏi liệu những nền văn minh như Stapledon miêu tả có thực sự tồn
tại.
Năm 2017, Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nhận diện không chỉ
một mà có đến bảy hành tinh kích cỡ tương đương Trái Đất cùng di chuyển
quanh một ngôi sao cách chúng ta “chỉ” 39 năm ánh sáng. Trong số này, ba hành
tinh nằm đủ gần sao mẹ để có thể có nước dưới dạng lỏng. Giới thiên văn sẽ sớm
cho ta biết khí quyển của những hành tinh này và cả các hành tinh khác có chứa
hơi nước hay không. Do nước là “dung môi phổ biến” có thể pha trộn các hóa
chất hữu cơ tạo thành phân tử ADN, nên rất có thể các nhà khoa học sẽ chỉ ra
được rằng điều kiện làm nên sự sống là phổ quát trong vũ trụ. Chúng ta sẽ tiến