còn nhận ra một số tính cách cốt lõi giống nhau ở mọi nền văn hóa, kể cả khi họ
đã mất liên lạc với nhau hàng ngàn năm.
Điều này thể hiện rõ trong phim ảnh. Người xem thuộc các chủng tộc và văn hóa
khác nhau, đã phân tách từ 75.000 năm trước, vẫn cười, khóc và hồi hộp vào
cùng thời điểm trong phim. Các nhà dịch thuật cho phim nước ngoài vẫn nhận
thấy điểm chung trong những lời trêu đùa và chi tiết hài hước trên phim, tuy các
ngôn ngữ đã phân hóa từ rất lâu.
Trên phương diện thẩm mỹ cũng vậy. Nếu tham quan một bảo tàng nghệ thuật
trưng bày các nền văn minh cổ xưa, ta sẽ thấy có nhiều chủ đề giống nhau. Bất cứ
nền văn hóa nào cũng khắc họa phong cảnh thiên nhiên, chân dung giới giàu có,
quyền thế và những hình ảnh huyền thoại, thần linh. Tuy cảm nhận về cái đẹp rất
khó đo lường, nhưng những thứ được coi là đẹp ở nền văn hóa này thường cũng
được coi là đẹp ở một nền văn hóa hoàn toàn không liên quan. Chẳng hạn, dù
xem xét nền văn hóa nào, ta cũng thấy có những mẫu hình hoa và cây cỏ tương
tự.
Một yếu tố khác cũng vượt qua các rào cản không gian và thời gian là những giá
trị xã hội chung. Trong thâm tâm, chúng ta luôn biết quan tâm, lo lắng cho người
khác. Đó là nguồn gốc của sự tử tế, rộng lượng, tình bạn và sự chu đáo, ân cần.
Có nhiều dạng “nguyên tắc vàng” xuất hiện trong các nền văn minh khác nhau, ở
mức độ căn bản, nhiều tôn giáo trên thế giới, đều nhấn mạnh vào những tư tưởng
giống nhau, đó là lòng nhân ái, sự thương cảm với những người nghèo khổ và
kém may mắn.
Một đặc điểm cốt lõi khác không mang tính hướng nội, mà là hướng ngoại. Nó
bao gồm tính ham hiểu biết, sáng tạo, thích đổi mới, sự thôi thúc thám hiểm và
khám phá. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều có những huyền thoại, truyền thuyết
về những nhà khám phá và những người mở đường vĩ đại.
Theo nguyên tắc người thượng cổ, các đặc tính cơ bản của con người không thay
đổi nhiều qua 200.000 năm, nên ngay cả khi sinh sống trên các vì sao, nhiều khả
năng ta vẫn giữ những giá trị và đặc tính đó.