Chính Boeing chứ không ai khác đã sản xuất tầng đẩy cho Saturn V trứ danh từng
đưa phi hành gia lên Mặt Trăng. Boeing cũng đang nắm giữ hợp đồng xây dựng
hệ thống tên lửa SLS - nền tảng cho nhiệm vụ đưa con người lên Sao Hỏa của
NASA.
Những người ủng hộ NASA nhắc lại rằng nguồn vốn công có vai trò cốt yếu
trong phần lớn các dự án không gian trước đây, ví dụ như Kính Viễn vọng Không
gian Hubble, một trong những “viên ngọc quý” của chương trình không gian.
Liệu các nhà đầu tư tư nhân có bỏ tiền vào một canh bạc rủi ro không có hy vọng
mang về lợi nhuận cho chủ đầu tư như thế? Sự hỗ trợ từ các tổ chức lớn của nhà
nước là rất cần thiết cho những kế hoạch quá đắt đỏ đối với giới tư nhân hoặc ít
có triển vọng thu về lợi nhuận.
Mỗi chương trình lại có những điểm mạnh riêng. SLS của Boeing mang được
130 tấn vào vũ trụ, nhiều hơn so với Falcon Heavy của Musk, mang được 64 tấn.
Nhưng giá thành vận chuyển của Falcon lại phải chăng hơn. Hiện tại, SpaceX có
giá phóng vệ tinh rẻ nhất, chỉ hơn 2.200 đô-la/kg, bằng 10% giá thông thường
của các phương tiện không gian thương mại khác. Giá này còn có thể hạ nữa khi
SpaceX hoàn thiện công nghệ tên lửa tái sử dụng.
NASA quả có vị thế đáng ghen tị, khi có đến hai kẻ “cầu hôn” cùng giành giật
một dự án béo bở. Về nguyên tắc, NASA vẫn có thể lựa chọn giữa SLS và Falcon
Heavy. Khi được hỏi về thách thức từ Boeing, Musk nói: “Tôi nghĩ có nhiều con
đường tới Sao Hỏa thì rất tốt… có nhiều sắt trong lò thì… Bạn biết đấy, càng
nhiều càng tốt.”
Phát ngôn viên NASA nói: “NASA hoan nghênh tất cả những ai muốn tham gia
bước nhảy vĩ đại kế tiếp – và thúc đẩy hành trình đến với Sao Hỏa… Hành trình
này sẽ cần những người giỏi nhất, xuất sắc nhất… Tại NASA, chúng tôi đã làm
việc miệt mài suốt mấy năm vừa qua để phát triển một kế hoạch thám hiểm Sao
Hỏa bền vững, đồng thời xây dựng một liên minh với các đối tác quốc tế và tư
nhân nhằm thực hiện mục tiêu trên”. Rốt cuộc, tinh thần cạnh tranh sẽ mang lại
nhiều lợi ích cho chương trình không gian.