bay vào vũ trụ, có 18 người tử nạn. Chỉ những người rất dũng cảm mới dám ngồi
trên gần nửa triệu kilôgam nhiên liệu để bị bắn vào không gian với tốc độ hơn
40.000 km/giờ và không chắc mình có quay trở về không.
Và còn cái gọi là “lời nguyền Sao Hỏa”. 3/4 số tàu thăm dò phóng lên Sao Hỏa
không bao giờ bay tới nơi, chủ yếu vì khoảng cách quá xa, các vấn đề bức xạ,
hỏng hóc kỹ thuật, mất liên lạc, vi thiên thạch, v.v.. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn có thành
tích vượt trội hơn hẳn so với Nga - quốc gia này đã 14 lần thất bại trong kế hoạch
bay đến Hành tinh đỏ.
Một khó khăn nữa là độ dài của hành trình lên Sao Hỏa. Tàu Apollo bay đến Mặt
Trăng chỉ mất ba ngày, nhưng chỉ riêng chiều đi lên Sao Hỏa đã mất đến chín
tháng, cả đi lẫn về hết gần hai năm. Tôi từng tham quan trung tâm huấn luyện của
NASA nằm bên ngoài Cleveland, Ohio, nơi các nhà khoa học phân tích những tác
hại của việc du hành vũ trụ. Các phi hành gia sẽ bị teo cơ và xương khi ở rất lâu
trong tình trạng không trọng lực ngoài vũ trụ. Cơ thể chúng ta đã thích nghi với
cuộc sống theo trọng lực của Trái Đất. Nếu Trái Đất lớn thêm hoặc nhỏ đi dù chỉ
một vài điểm phần trăm, thì cơ thể ta cũng sẽ phải được thiết kế lại để có thể sống
sót. Càng ở lâu bên ngoài không gian, cơ thể ta sẽ càng thoái hóa. Sau khi lập kỷ
lục thế giới ở ngoài không gian 437 ngày, phi hành gia Nga Valeri Polyakov gần
như đã phải bò ra khỏi tàu khi ông trở về Trái Đất.
Một chi tiết thú vị là ở ngoài vũ trụ, các phi hành gia sẽ cao thêm vài xentimét do
cột sống của họ dài ra. Khi trở về Trái Đất, chiều cao của họ sẽ về lại như cũ. Các
phi hành gia còn mất đi 1 % khối lượng xương mỗi tháng khi ở ngoài không gian.
Để làm chậm hiện tượng này, họ phải luyện tập ít nhất hai giờ/ngày trên máy
chạy bộ. Dù vậy, họ cũng phải mất một năm mới phục hồi được sau sáu tháng
trên Trạm Vũ trụ Quốc tế - và đôi khi, họ không thể phục hồi hoàn toàn khối
lượng xương. (Một hậu quả nữa của tình trạng không trọng lực tới gần đây mới
được xem là nghiêm trọng, đó là tổn hại dây thần kinh thị giác. Trong quá khứ,
các phi hành gia thường phàn nàn về thị lực kém sau nhiệm vụ dài ngày trên vũ
trụ. Kết quả quét mắt chi tiết cho thấy dây thần kinh thị giác của họ thường bị
viêm, có lẽ do áp lực từ chất dịch của mắt.)