Trong cuộc ganh đua này còn có một mối nhân quả thú vị. Do nhu cầu phải thu
nhỏ các thiết bị điện tử, chương trình không gian đã mở ra cuộc cách mạng máy
tính. Lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ về chương trình không gian, các tỷ
phú bước ra từ cuộc cách mạng máy tính đã rót tiền trở lại cho chương trình thám
hiểm không gian.
Người châu Âu, Trung Quốc và Nga cũng bày tỏ khát vọng đưa người lên Sao
Hỏa trong khoảng thời gian từ năm 2040 đến 2060, nhưng ngân sách cho những
kế hoạch này vẫn đang là vấn đề. Tuy nhiên, điều khá chắc chắn là người Trung
Quốc sẽ lên Mặt Trăng vào năm 2025. Mao Trạch Đông từng than thở rằng nước
Trung Quốc quá lạc hậu, bắn củ khoai tây vào vũ trụ cũng không nổi. Từ đó đến
nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Cải tiến các tên lửa mua của Nga trong thập
niên 1990, Trung Quốc đã phóng mười “thái không nhân
” lên quỹ đạo và đang
triển khai kế hoạch tham vọng là xây dựng trạm không gian, đồng thời phát triển
loại tên lửa mạnh ngang Saturn V trước năm 2020. Qua các kế hoạch năm năm,
Trung Quốc đang từng bước nối gót người Nga và người Mỹ.
Ngay cả những nhà tiên phong với niềm tin mạnh mẽ nhất cũng phải thừa nhận
rằng có rất nhiều hiểm nguy chực chờ các phi hành gia trong hành trình lên Sao
Hỏa. Khi được hỏi có muốn đích thân lên thăm Sao Hỏa không, Musk thừa nhận
khả năng tử vong trong chuyến đi đầu tiên đến Hành tinh đỏ là “khá cao” và ông
vẫn muốn được chứng kiến các con mình khôn lớn.
DU HÀNH VŨ TRỤ KHÔNG PHẢI CUỘC DÃ NGOẠI
Danh sách những hiểm họa tiềm tàng cho nhiệm vụ đưa người lên Sao Hỏa có thể
dài khủng khiếp.
Đứng đầu là hỏng hóc nghiêm trọng. Chúng ta bước vào kỷ nguyên không gian
đã hơn 50 năm, nhưng xác suất tai nạn tên lửa gây thương vong vẫn ở khoảng
1%. Bất kỳ bộ phận nào trong số hàng trăm bộ phận chuyển động bên trong tên
lửa cũng có thể khiến nhiệm vụ thất bại. Tàu con thoi gặp hai tai nạn kinh hoàng
trong tổng cộng 135 lần phóng, như vậy tỷ lệ thất bại là 1,5%. Tỷ lệ tai nạn chết
người của toàn bộ chương trình không gian là 3,3%. Trong số 544 phi hành gia