SỐNG DỄ LẮM
Trường sư phạm tỉnh miền núi mở lớp tập huấn cho giáo viên
vùng cao vào cuối tháng Bảy. Có 11 người và họ đều là những giáo
sinh trẻ lần đầu đi dạy học. Bạn đọc ở đô thị chắc hiểu ít về các
trường học vùng cao cách đây ba, bốn mươi năm. Tôi chỉ có thể nói
với bạn rằng không ở đâu buồn tẻ hơn và ít vụ lợi hơn ở đấy; còn
việc hình dung và dành tình cảm cho nó ra sao tùy bạn.
Cuối tháng Bảy, ở Tây Bắc mưa nhiều và những đợt lũ quét
bất ngờ có thể gây nên những tai họa không lường trước được. Người
ta cử ông giáo Chi mang những tài liệu sách vở đến giảng cho lớp tập
huấn nhưng trên đường từ tỉnh lỵ về trường, khi qua suối, ông
giáo Chi bị nước cuốn sạch đồ đạc. 11 giáo sinh ra đón ngài thanh
tra giáo dục, họ nửa khóc nửa cười khi thấy một ông già gày gò, mình
trần thân trụi ướt như chuột lột đang ngồi rét run cầm cập.
Tất cả những nghi lễ và dự định cho lớp tập huấn giáo dục bỗng
vứt đi hết vì lý do bất ngờ, những quy định ứng xử giữa ông giáo Chi
và đám trẻ bỗng xoay ra hướng khác hẳn. Ông giáo Chi được các cô
con gái thân mật gọi là “bố” mặc dầu, ông nửa đùa nửa thật nói
rằng mình thích được coi là “bạn thân” hoặc “anh giai “ hơn. Các cô
con gái trổ tài may vá và ông giáo Chi lập tức có ngay hai bộ quần áo
được “cải tạo” từ đám quần áo cũ của họ. Hai cậu con trai không tỏ ý
thân thiện gì với “bố”, dưới mắt họ ngài thanh tra giáo dục “xuống
cấp”, trở thành một tay dấm dớ chẳng ra gì.
Tuy nhiên, đúng ngày đúng giờ, lớp tập huấn giáo dục vẫn được
bắt đầu như thường lệ, y như quy định của Bộ Giáo dục tận mãi Thủ
đô. Ông giáo Chi vốn xuất thân là lính, ông coi nhiệm vụ trên hết
và không có gì ngăn cản việc ông làm nhiệm vụ được giao.