Không có giấy bút gì, ông giáo Chi đĩnh đạc bước lên bục giảng có
các cô con gái vây quanh, hai cậu con trai bất đắc dĩ phải ngồi
cùng, không phải vì nể ông giáo mà vì nể các cô con gái.
- Dạy học là nghề sống dễ lắm! - Ông giáo Chi bắt đầu bài
giảng của mình.
- Nếu lương ít, lại không có thực phẩm thì làm sao? ở các vùng
cao lấy đâu ra chợ? - Các cô giáo trẻ lần đầu sống xa nhà lo lắng
hỏi ông.
- Phải trồng rau chứ! - Ông giáo Chi trả lời. Nuôi lấy vài con gà...
Ngày xưa, tớ (ông giáo Chi xưng “tớ “chứ không xưng “bố”)... tớ nuôi
cả lợn. Chiều 30 Tết thịt lợn, đánh tiết canh... thật không có gì vui
như thế... vui như Tết!
- Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! - Ông giáo Chi nói -
Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! - Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con
mà sống... Cũng cần phải biết một ít kỹ năng, như cách thiến gà...
Phải biết một số cây thuốc cầm máu, biết phân biệt các thứ
nấm độc... Tớ có kinh nghiệm không nên tin cái gì đẹp đẽ quá...
Ông giáo Chi đưa bọn trẻ vào rừng, ông chỉ cho họ cách tìm các
cây rau ăn được, các cây thuốc, cách tìm phương hướng khi lạc rừng
nhờ vào việc xác định rễ ở các gốc cây. Buổi tối, họ ngồi tập hát,
ông giáo Chi dạy họ bài hát về nghề dạy học:
“Tôi không quên những giờ lên lớp đầu tiên
Khi bước về ngôi trường xa
Trang sách trắng tinh
Với nét phấn đơn sơ vụng về