lần tôi có nhớ lại sự việc xảy ra nhưng không phải là để ân hận mà
chỉ là để ghi nhớ “sự mất trai tân” trong cuộc đời mình mà thôi. Với
bản tính trung thành và nhẫn nhục, từ một công chức ở Sở, sau
nhiều năm trời tôi đã trở thành một quan chức cao cấp ở Bộ Y tế.
Trước Tết Nguyên đán năm kia, tôi tham gia vào một đoàn công tác
của Chính phủ để đi khảo sát về chương trình xóa đói giảm nghèo ở
vùng nông thôn, vô tình thế nào tôi lại có dịp đi đến bản Hoan.
Lần ấy, khi về huyện X, người ta báo cho tôi hay ở đây dân
chúng đang chặt phá rừng bừa bãi. Họ mới bắt được một tên “lâm
tặc” khét tiếng, tên này vô cùng liều lĩnh, hắn chẳng biết gì về
pháp luật, hắn tấn công lại tất cả những người thi hành công vụ.
Người ta cũng nói với tôi rằng cách giải quyết tốt nhất đối với
hạng người như thế là “cho xơi một phát kẹo đồng”.
Tôi quyết định xuống tận nơi xem xét sự việc. Đi cùng với tôi là
một quan chức địa phương người Mường tên là Đinh Công Hùng. ở
hạt kiểm lâm, tên “lâm tặc” được nhốt vào một cũi sắt, chiếc cũi
này trước đây vẫn dùng nhốt gấu. Tên này trạc 30 tuổi, chột mắt,
thọt chân, người ngợm dị hợm.
Tôi đề nghị người ta thả hắn ra để tôi nói chuyện với hắn
nhưng họ không nghe:
- Thưa ông, không được đâu! Thằng chó chết này nó sẽ xơi tái
ông ngay! Còn nếu ông dứt khoát muốn thả nó ra thì để chúng tôi
phải làm què chân nó đã!
Tuy nhiên, cuối cùng thì tôi cũng đã nói chuyện được với “tên
giặc” mà không đến nỗi phải bẻ chân hắn. Chẳng khó khăn gì tôi đã
biết nguyên nhân thực của việc hắn đi phá rừng: hắn có tới bảy
đứa con, gia đình quanh năm nghèo đói, hắn phải làm đủ mọi việc
lương thiện cũng như không lương thiện để cứu cả nhà.