Phân người được cho vào những thùng gò bằng tôn như thùng
gánh nước. Cũng có một số người dùng thùng gỗ hoặc cho phân vào
sọt (sọt được lót bằng bao ni-lông). Có lẽ phần lớn phân ở đây đều
được lấy từ các nhà xí công cộng trong thành phố ra, nhiều thùng
phân còn thấy lẫn cả giấy vở học sinh hay giấy báo.
Chợ phân không đông, chỉ có chừng hơn ba chục người vừa mua
vừa bán. Hình như họ vốn đã quen biết nhau và khá thuộc “mặt
hàng” của nhau nên việc mua bán thỏa thuận cũng nhanh. Dưới ánh
đèn cao áp tựa như ánh trăng và không khí hơi lạnh buổi sáng, chợ
phân cũng có phần nào giấu đi được sự bẩn thỉu, sự nghèo hèn, lam
lũ và cần lao.
Những người bán phân đều bịt mặt hay đeo khẩu trang. Tất cả
đều bán mua, mua bán một cách âm thầm chịu đựng, ít nhất đấy
cũng là cảm giác ban đầu của tôi. Không có ai nói năng to tiếng
hoặc mặc cả ráo riết như ở các chợ khác, chỉ trừ có mỗi một người,
người này có vẻ như “ông chủ chợ”. Ông ta khoảng 60 tuổi, dáng
người thấp đậm, đầu húi cua, mắt trố, quai hàm bạnh, ngực nở
nang, chân tay rắn chắc. Ông ta không đeo khẩu trang hay bịt mặt,
hoàn toàn chẳng có vẻ gì sợ hãi hay ghê tởm khi phải tiếp xúc, đụng
chạm với các thùng phân bẩn thỉu và các dụng cụ dơ dáy ở đây. Tôi để
ý thấy ông ta không mua, cũng không bán nhưng ông ta đi đi lại lại,
nhắc nhở mọi người, xem xét, đánh giá từng thùng phân, bông đùa,
góp ý cho những ai còn đang băn khoăn hay lưỡng lự. Ông ta khá linh
hoạt, lanh lẹn. Sự linh hoạt của ông ta khiến cho phiên chợ sôi nổi
hẳn lên nhưng cũng có vẻ gì khá bất nhẫn. Ông ta như một vị nhạc
trưởng, như người giữ nhịp điệu cho cả phiên chợ quái đản này.
Có mấy người đôi co về hai sọt phân của một phụ nữ. Người phụ
nữ này ăn mặc quần áo như một nhân viên Công ty vệ sinh. Người
phụ nữ cầu cứu “ông chủ chợ”: