Ngày nào Móng cũng lân la đến chỗ cô Hợp bán hàng. Dưới mắt
cô Hợp, Móng đúng là một con chim bổi man rợ lì lợm. Mũi tên của
thần ái tình không phải một sớm một chiều khoan thủng được lớp
da dày dạn sương gió kia. Để cho hắn tự nguyện chui vào lục, tức là
dấn thân vào cuộc hôn nhân mà cô Hợp mong ước là chuyện hết
sức công phu. Nhưng rồi “những gì phải đến cũng đến”, đám cưới
của cặp tình nhân chất phác ấy đã được tổ chức đơn sơ nhưng
không kém phần trang trọng vào đúng một năm sau cái ngày mà
con nhồng khôn ngoan kia tiên tri:
- Đời cũng chó nhỉ!
Đêm tân hôn, Móng và cô Hợp gác chân lên nhau trò chuyện. Cô
Hợp bảo:
- Hôm đầu, em cứ tưởng mình là ông khách đến để mua chim.
Ông Móng cười:
- Rốt cuộc, tớ lại là thằng bán chim cho mình!
Cô Hợp mắng yêu:
- Đồ phải gió!
Rồi cô mỉm cười ở trong bóng tối:
- Mình là con chim lớn nhất mà em bẫy được!
Ông Móng và cô Hợp sống hạnh phúc bên nhau. Cửa hàng bán
chim của họ khá phát đạt. Trước kia, ở Hà Nội người ta phần lớn chỉ
nuôi chim hót, chim làm cảnh, người ta muốn đưa một phần nhỏ
của thiên nhiên tươi mát vào trong phố thị chật hẹp vốn dĩ có
nhiều sức ép; nhưng về sau này không hiểu vì sao người ta chỉ thích
nuôi chim chọi mà thôi. Những con chim hoạ mi vốn có tiếng hót