nghệ sỹ, về già lại hay cúng tiền công đức lên cho các chùa. Lâm
mất, ông Vũ chuyển về uống ở café Mai phố Lương Ngọc Quyến.
Năm 2000, Mai bị bắt vì buôn ma tuý, ông Vũ chuyển về uống ở
café Nhân Hàng Hành. Ngày nào cũng vậy, cứ 9 giờ sáng và 5 giờ
chiều, ông Vũ đều đặn hai lượt đến ngồi ở trên ban công gác hai
nhìn xuống mặt đường, uống một ly café đen đá và hút thuốc lá
Camel, đôi mắt xa xăm nhìn ngắm bóng chiều cứ xuống dần
dần qua tán lá bàng. Thời gian trôi đi, tất cả rồi mất hút vào
trong quên lãng, qua khói thuốc, qua ly café. Chớp mắt hốt nhiên
đã hết veo một đời người : ông Vũ chết vì bệnh ung thư ác tính vào
năm 2003 thọ sáu mươi tuổi.
Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích
ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng
hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh
bàn đặt của nhóm hoạ sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thuý và đám
thuộc hạ của cô thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập
phương và Tây ba –lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mỳ
sốt vang và trứng ốp –lếp.
Café Nhân không phải là đệ nhất café Hà Nội. So với café Bằng
ở
chợ Hàng Da thì thâm niên của café Nhân chẳng ăn thua gì. Café
Bằng có từ khi Hà Nội vừa mới Tây hoá. Con thạch sùng ghép bằng
sứ ở chợ Hàng Da là biển hiệu của café Bằng. Đấy mới đích thị là đệ
nhất đồ cổ café Hà Nội.
Ở
phố Hàng Hành, café Nhân chưa hẳn đã là chỗ ngồi đẹp
nhất. Vỉa hè ở mấy dãy nhà số 39 mới là chỗ ngồi đắc địa. Ở đây
người ta có thể quan sát cả đoạn phố dài, có thể tha hồ ngắm nhìn
thiên hạ đi qua đi lại. Bầu không khí bảng lảng thậm chí còn hơi hiu
hắt ở đây quãng tầm giờ chiều gợi nhớ vô biên đến những phố
huyện ở vùng Hà Nam Phủ Lý hay ở vùng đồi trung du Phú Thọ.
Ngồi trên gác hai café nhà số 20 trông xuống mặt đường, nhất là